Sáng 22/2/2016, tại khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 đã được tổ chức long trọng với chủ đề “Đất nước- Cánh buồm xuân”.
Tới dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Tham dự Ngày thơ Việt Nam năm nay có 26 câu lạc bộ thơ, một số trường đại học, nhiều nhà thơ đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và hàng nghìn người dân
Bên cạnh sân thơ truyền thống tại sân Thái Miếu, năm nay, tại sân nhà Thái Học còn có sân chơi thơ Thiếu nhi và sân thơ Trẻ. Đây là lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam có sân thơ dành cho thiếu nhi. Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 còn có triển lãm giới thiệu thân thế, sự nghiệp của hơn 40 nhà thơ nổi tiếng giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Điểm mới của sân thơ truyền thống năm nay là các nhà thơ sẽ trình bày liên khúc thơ chứ không đọc riêng lẻ từng người, với sự kết nối nhiều chủ đề khác nhau. Có thể kể đến các gương mặt nhà thơ tham gia liên khúc thơ chủ đề “Biển đảo biên cương” như Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Việt Chiến. Hay liên khúc chủ đề “Mùa xuân đất nước tình yêu” với sự góp mặt của các nhà thơ nữ như Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà; rồi liên khúc thơ “Mùa xuân quê hương” do các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Trần Quang Quý, Nguyễn Hưng Hải, Hoàng Trần Cương… thể hiện.
Chủ đề chung của sân thơ Thiếu nhi và thơ Trẻ có tên “Đường Xuân”, phần thơ Thiếu nhi mở đầu có chủ đề “Reo vang bình minh”. Sân thơ Thiếu nhi hội tụ các bài thơ quen thuộc với các thế hệ trẻ em Việt Nam bên cạnh những bài thơ do chính các tác giả nhí sáng tác với sự dẫn dắt của hai gương mặt vừa đoạt giải cuộc thi sáng tác “Cây bút Tuổi Hồng” do báo Thiếu niên tiền phong tổ chức. Sân thơ Trẻ có sự xuất hiện của 13 tác giả, trong đó có 2 tác giả thơ quốc tế đến từ Cộng đồng Châu Âu (có tác giả đoạt giải thưởng văn học Goncourt về thơ năm 1996)….
Nét khác biệt của sân thơ Trẻ năm nay là các tác giả không thiên về trình diễn phá cách mà hướng về cách thể hiện truyền thống. Bên cạnh đó, mỗi nhà thơ sẽ đọc từ 2 đến 3 bài thơ thay cho việc xuất hiện xen kẽ theo một câu chuyện như trước đây. Những đổi mới này nhằm giúp bạn đọc nhận diện rõ hơn nhiều gương mặt thơ trẻ, mới xuất hiện. Tuy nhiên, vì thế đòi hỏi các tác giả phải chọn được những bài thơ hay, kết hợp với cách thể hiện có sắc thái biểu cảm. Sân thơ Trẻ năm nay còn đáng chú ý bởi một số gương mặt như Ngô Gia Thiên An, hiện đang là học sinh lớp 11, từng giành một số giải thưởng văn học.
Ngày thơ năm nay tiếp tục tổ chức theo hướng chuyên nghiệp hóa, để thơ ca thực sự đi vào cuộc sống và qua đây nhà thơ cũng lắng nghe tiếng nói của quần chúng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sáng tác. Đây còn là dịp giao lưu, quảng bá các giá trị văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Hà Nội, Việt Nam. Bước đột phá của không gian lễ hội thơ là phần thiết kế mỹ thuật gần gũi và đậm tính dân tộc, cấu trúc mới mẻ, cộng hưởng với cảnh quan không gian văn hóa của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Bế mạc Ngày thơ Việt Nam 2016 là màn thả thơ độc đáo. 50 câu thơ được thả lên trời mang theo những ước vọng trong một năm mới may mắn, bình an và thơ ca Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Một số hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14:
Lối vào Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 được trang hoàng ấn tượng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14
Các em thiếu nhi tự tin tại sân thơ của mình
Màn thả thơ độc đáo khép lại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14