Sáng 16/5, Đoàn kiểm tra liên ngành do Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng làm Trưởng đoàn đã đến làm việc với huyện Gia Lâm về việc triển khai, thực hiện công tác quản lý và tổ chức Hội Gióng (xã Phù Đổng) năm 2023.
Thành phần đoàn kiểm tra gồm có đại diện Thanh tra Sở Du lịch, Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an Thành phố), lãnh đạo và chuyên viên các phòng, ban thuộc Sở Văn hóa và Thể thao gồm: Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Quản lý Di sản, Quản lý Văn hóa, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng.
Về phía đại diện huyện Gia Lâm, tiếp đoàn có Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phùng Thị Hoài Hương, cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Phòng Văn hóa – Thông tin, công an huyện, đại diện lãnh đạo xã Phù Đổng.
Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng năm 2023 sẽ chính thức diễn ra trong 03 ngày, từ 25-27/5/2023 (tức mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư năm Quý Mão) tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) và một số địa điểm liên quan.
Năm nay là hội lệ nên lễ hội được tổ chức rút gọn hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia lâm Phùng Thị Hoài Hương, trong lễ hội năm nay, xã Phù Đổng cũng sẽ vinh dự đón quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời cũng diễn ra Tuần lễ du lịch xã Phù Đổng. Các nghi thức phần lễ vẫn được tổ chức đầy đủ với lễ tế Thánh tại Đền Thượng; Ngoại đàn tại sân Đền Thượng; Lễ dâng hương; Rước khám đường; Lễ rước cỗ; Hội trận truyền thống tại Soi Bia.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hoá – thể thao đa dạng cũng được tổ chức như Lễ hội Hoa giấy Phù Đổng; Giải cầu lông Hội Gióng Phù Đổng năm 2023; Hội thi “Tiếng hót chim Chào mào” Hội Gióng Phù Đổng năm 2023; Cúp bóng chuyền Hội Gióng Phù Đổng năm 2023; Giải vật dân tộc Hội Gióng Phù Đổng năm 2023; Văn nghệ quần chúng chào mừng; Biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống quan họ, hát chèo, hát tuồng… Ngoài ra còn có nhiều hoạt động quảng bá du lịch như: Khai trương các hoạt động tham quan, trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương; Tổ chức các gian hàng giới thiệu du lịch Gia Lâm, du lịch Hà Nội; Các gian hàng OCOP; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng.
Được biết, Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) là Hội Trận, được vua Lý Công Uẩn cho khởi tạo và tổ chức từ thời Lý; diễn ra từ ngày mùng 7-9/4 Âm lịch hàng năm nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng – người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc.
Lễ hội được người dân Phù Đổng bảo tồn, trao truyền cơ bản nguyên vẹn từ đời này qua đời khác; là một kịch trường dân gian, diễn ra trong một không gian rộng lớn với hàng nghìn vai diễn chính là nhân dân; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Với sự đặc sắc và những giá trị lo lớn ấy, năm 2010, Hội Gióng ở Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với Hội Gióng Đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Tại buổi làm việc, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia lâm Phùng Thị Hoài Hương cũng cho biết, công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội được huyện đặc biệt quan tâm với việc ban hành kế hoạch tổ chức chi tiết cũng như tổ chức hội nghị triển khai xuống cơ sở. Xã Phù Đổng cũng đã ban hành kế hoạch và triển khai đến các tiểu ban. Công an huyện Gia Lâm cũng đã xây dựng các phương án bảo vệ an toàn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, phân luồng giao thông, hạn chế việc bán hàng rong… Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm phối hợp với xã Phù Đổng trong công tác y tế, thường trực 1 xe cứu thương, luôn có bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện, xã thường trực…
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh, Hội Gióng là một trong những lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân trong vùng cũng như các khu vực lân cận tham gia. Do đó, đồng chí đề nghị huyện Gia Lâm, xã Phù Đổng cần nghiêm túc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tăng cường hơn nữa công tác phòng chống cháy nổ trong thời điểm dự báo thời tiết Hà Nội nắng nóng; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội khi lượng người dân và du khách về chiêm bái tăng cao, lưu ý các đối tượng lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý phương án tổ chức phân luồng giao thông, phương án về y tế cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm… để Hội Gióng diễn ra một cách an toàn, tạo sự phấn khởi trong người dân và du khách khi tham gia lễ hội.
Thanh Hằng