Văn hóa cơ sở

Đan Phượng: Chuyển biến tích cực trong thực hiện tang văn minh

Nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, nhiều bài học kinh nghiệm, cách làm hay đã được nhân rộng nên tỉ lệ hỏa táng ở huyện Đan Phượng tăng mạnh theo từng năm: Năm 2020 đạt 60,25%; năm 2021 đạt 65,2%; năm 2022 tỉ lệ này đạt 70,05%.

Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU ngày 3/10/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Đan Phượng về việc thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới hỏi đã được tăng lên rõ nét. Sau Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy, ngày 13/3/2013, huyện Đan Phượng ban hành Chỉ thị số 22-CT/HU “về tăng cường lãnh đạo xây dựng nếp sống văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá trên địa bàn huyện”, trong đó đề cập đến 5 nội dung chính: việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hỏi và ứng xử văn hóa. Trong đó, việc thực hiện tang văn minh được triển khai gắn với phong tục tập quán và quy định của luật pháp. Đặc biệt để việc tang được thực hiện tốt thì công tác tuyên truyền, vận động phải kiên trì theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cần phải gương mẫu thực hiện trước.
Ông Hoàng Đức Mạnh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Liên Trung huyện Đan Phượng chia sẻ: Chục năm trước, việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang gặp vô vàn khó khăn. Có đám tang, cán bộ địa phương phải túc trực, vận động không chỉ con cái, vợ hoặc chồng của người quá cố, mà còn phải nắm tình hình xem trong gia đình người quá cố ai là người có tiếng nói quyết định, ai là người “cổ hủ”, để vận động. Vất vả đấy nhưng xã xác định rằng, nếu vượt được ngưỡng khó ban đầu, khi người dân đã “thông tư tưởng” thì công việc dễ dàng hơn.

Cụm dân cư số 7, xã Thọ Xuân có 192 hộ, với 895 nhân khẩu. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng với sự tập trung lãnh đạo của Chi bộ, Ban công tác Mặt trận cụm dân cư đã tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân trong cụm đoàn kết thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó, nổi bật là việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy, Chỉ thị 22-CT/HU của Huyện ủy về thực hiện nếp sống văn hóa; phát huy vai trò nòng cốt và nhân rộng các mô hình trong thực hiện tang văn minh tiến bộ. Trọng tâm là vận động không tổ chức ăn uống; giảm viếng vòng hoa, không lễ đồ mã; vận động gia đình đưa người qua đời đi hỏa táng. Qua đó đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của Nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Nhân dân cụm dân cư số 7 xã Thọ Xuân họp bàn về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư năm 2023

Trước đây, mỗi khi có người quá cố, việc không thể nào bỏ qua đối với mọi gia đình tang quyến đó là đốt và rải vàng mã, tiền lẻ khi đưa tang. Chưa tính đến việc tốn kém về kinh phí, thì rải vàng mã đã vô tình tạo ra lượng “rác thải” gây ô nhiễm môi trường, phản cảm, nhất là trong các khu dân cư. Ông Trần Ngọc Lý, Trưởng ban Công tác mặt trận Cụm dân cư số 7 cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hướng dẫn của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Chỉ thị 22-CT/HU của Huyện ủy, Ban Công tác Mặt trận cụm dân cư đã đưa những nội dung đó vào trong những buổi tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện. Bên cạnh đó, Ban Công tác Mặt trận cụm dân cư phối hợp với chi hội người cao tuổi tập trung vận động hội viên, nhắc nhở người dân không rải giấy tiền, vàng mã khi đưa tang; vận động các gia đình có người qua đời chọn hình thức đi hỏa táng cho người quá cố. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân trong cụm, việc thực hiện tang văn minh tiến bộ, nhất là hình thức hỏa táng trong cụm đã lan tỏa nhanh. Năm 2016, tỉ lệ hỏa táng trong cụm là 30,5%; đến cuối năm 2022, tỉ lệ này đạt 100%. Mới đây, tại Hội nghị đại biểu Nhân dân bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nghị quyết Hội nghị đại biểu nhân dân cụm dân cư số 7 cũng đưa chỉ tiêu hỏa táng năm 2023 đạt tỉ lệ 95% trở lên và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cụm dân cư năm 2023.

Không làm cỗ mời khách, không “lăn đường”, “bắc cầu” đưa thi hài người chết qua đầu con cháu; không khóc mướn, rắc vàng mã khi đưa tang… cũng là những nội dung tuyên truyền mà Ban Công tác Mặt trận thôn Hạ, xã Liên Trung thường xuyên truyền tải đến Nhân dân trong thôn. Nhờ tuyên truyền tốt, việc tang lễ trên địa bàn thôn đã có sự chuyển biến rõ rệt, hủ tục dần bị loại bỏ. Tang lễ trang nghiêm nhưng không tổ chức dài ngày, không để thi hài người quá cố trong nhà quá 36 giờ, không mở loa đài to và quá thời gian quy định. Chính vì thế, rất nhiều đám tang ở thôn Hạ hiện nay được tổ chức trang nghiêm – tiết kiệm – nghĩa tình, số gia đình chọn hình thức hỏa táng ngày một nhiều hơn, đến cuối năm 2022, tỉ lệ hỏa táng của thôn đạt 100%.

Việc thực hiện tang văn minh vừa là điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, vừa góp phần điều chỉnh hành vi, lối sống của mỗi thành viên trong cộng đồng, mang lại nhận thức mới trong xây dựng nếp sống văn minh.

ĐP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *