Văn hóa cơ sở

Đan Phượng tổ chức Lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát Ca trù truyền thống

Nhằm góp phần bảo tồn và giữ gìn loại hình nghệ thuật Ca trù truyền thống, ngày 14/9, Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phối hợp với Trung tâm Văn hoá Thành phố tổ chức Lớp bồi dưỡng nghệ thuật hát Ca trù. Thông qua đó, nhằm góp phần bảo tồn và giữ gìn loại hình nghệ thuật Ca trù truyền thống.

Bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố phát biểu tại lớp bồi dưỡng

Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng nghệ thuật, bà Lý Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố cho biết, ca trù là loại hình nghệ thuật quý của cha ông để lại, đã đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật và văn học. Tuy nhiên, trong thời gian dài, loại hình nghệ thuật này bị lãng quên, thậm chí vắng bóng, vì vậy, việc bảo vệ, phát huy nghệ thuật hát ca trù là công việc lâu dài nhưng cấp bách nhằm ngăn chặn tình trạng mai một.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Tam (ngoài cùng bên phải) là người tâm huyết với việc truyền dạy nghệ thuật Ca trù

Theo bà Bùi Thị Quyên, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng, hiện nay, ca trù Thượng Mỗ là một trong ba địa chỉ văn hóa dân gian của huyện Đan Phượng. Ca trù xuất hiện ở Thượng Mỗ từ thế kỷ XVII. Trải qua thăng trầm lịch sử, nghệ thuật ca trù có thời từng bị quên lãng. Tuy vậy, với sự nỗ lực của nhiều nghệ nhân, người dân Thượng Mỗ cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nghệ thuật ca trù vùng đất ven đô đang hồi sinh từng ngày…

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Minh Tam và các học viên.

Tại lớp bồi dưỡng, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Minh Tam (xã Thượng Mỗ) đã truyền dạy cho các học viên trong Câu lạc bộ ca trù xã Thượng Mỗ và người yêu ca trù các xã, thị trấn trên địa bàn huyện kỹ năng hát các làn điệu cơ bản của nghệ thuật hát ca trù như hát nói, hát miễu; luyện ngón, phách; khớp phách, đàn đáy, trống chầu; hợp luyện hát, đàn, trống, phách…

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *