Ngày 25/5, phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đan Phượng phối hợp với Trung tâm Chính trị tổ chức lớp tập huấn công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình năm 2023.
Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày Gia đình Việt Nam 28/6 nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội về công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Từ đó, có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, văn minh, góp phần xây dựng cộng đồng hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.
Đại biểu tham dự Hội nghị là thành viên Ban chỉ đạo “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình; Lãnh đạo, chuyện viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; Hội Người cao tuổi; UB Mặt trận Tổ quốc; Hội Liên hiệp phụ nữ; Hội Nông dân; Hội Cựu chiến binh; Đoàn Thanh niên; công chức văn hóa – xã hội… Đến dự và lên lớp có Thạc sĩ, CVCC Hoa Hữu Vân – Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Tại hội nghị Thạc sĩ, CVCC Hoa Hữu Vân đã chia sẻ vài nét về những thách thức đối với việc xây dựng “Gia đình hạnh phúc” và những vấn đề đặt ra cho công tác gia đình trong tình hình hiện nay; cùng một số vấn đề cần quan tâm trong triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước, của UBND huyện Đan Phượng về công tác gia đình mới được ban hành.
Theo đó, Thạc sĩ, CVCC Hoa Hữu Vân cho biết, những thách thức đối với hạnh phúc gia đình hiện nay bao gồm: Tuổi kết hôn trung bình có xu hướng tăng: 26 tuổi (nam), 24 tuổi (nữ); Tình trạng ly hôn ngày một nhiều; Bạo lực gia đình diễn ra ở mọi địa phương có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, lối sống công nghiệp thời 4.0 cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các gia đình.
Theo Kế hoạch 82/KH-UBND ngày 9/3/2023 của UBND huyện Đan Phượng, năm 2023, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức tới trên 82% hộ gai đình (= 37.799 hộ), cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình. Phấn đấu đạt tỷ lệ trên 82% xã, thị trấn có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở. Các xã, thị trấn đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã. Phấn đấu trên 82% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc. Lồng ghép hoạt động truyền thông trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; trong đó kết hợp chặt chẽ giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình với cuộc vận động “5 không 3 sạch” của chi hội phụ nữ tại thôn, tổ dân phố…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, theo Thạc sĩ, CVCC Hoa Hữu Vân, các xã, thị trấn, các thôn, cụm dân cư cần đẩy mạnh truyền thông giúp người dân phân biệt được thế nào là hành vi bạo lực gai đình để tố giác, xử lý, chấm dứt hành vi bạo lực gia đình. Cán bộ văn hóa xã, trưởng thôn… cần làm tốt việc thống kê, báo cáo để xử lý vụ việc bạo lực gia đình từ thôn, tổ dân phố, từ UBND cấp xã. Xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, trước hết là UBND cấp xã, của trưởng thôn trong phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời, phát huy vai trò của gia đình nhằm tạo môi trường giáo dục sớm, góp phần xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phương Mai