Sáng 20/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố đã đến dâng hương tại đền thờ Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), nhân kỷ niệm 1080 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa.
Đoàn đại biểu dâng hương có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Nguyễn Lan Hương, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP cùng các đồng chí lãnh đạo thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm cùng đông đảo nhân dân địa phương tham dự.
Trong không khí thành kính, trang nghiêm, các đồng chí lãnh đạo Thành phố cùng các vị đại biểu đã nghe đọc chúc văn; dâng hương, hoa, lễ vật, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn của vua Ngô Quyền – người anh hùng dân tộc vĩ đại, lập nên nhà Ngô, chọn Cổ Loa làm kinh đô, tạo nên bước ngoặt lớn chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, mở ra kỷ nguyên độc lập cho đất nước.
Ngô Quyền (897 – 944) sinh ra và lớn lên ở thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Khi trưởng thành, Ngô Quyền nổi tiếng là một trang hào kiệt, văn võ toàn tài. Cuối năm 938 – Hoằng Thao thống lĩnh đội thủy quân gồm 20 vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền theo bờ biển vùng Đông Bắc ồ ạt tiến vào nước ta. Với tài thao lược tuyệt vời, Ngô Quyền đã chỉ huy quân làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.
Tại lễ dâng hương, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, đồng chí Hoàng Trung Hải đã kính cáo trước anh linh vua Ngô Quyền về những kết quả thành phố đã đạt được trong những năm qua, nguyện quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu mạnh.
Đền Ngô Quyền nằm trong quần thể di tích đền, lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi cao tại Đường Lâm từ lâu đời và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Quần thể di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Đặc biệt, trong quần thể đền và lăng Ngô Quyền, 18 cây duối cổ – tương truyền là nơi Ngô Quyền buộc voi, ngựa – đã được công nhận là “Cây di sản” cấp quốc gia.
Hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ vua Ngô Quyền) nhân dân trong vùng lại về đây để tưởng nhớ công ơn của ông – vị vua “đã mở nước xưng vương”, kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, mở đầu một thời đại mới, độc lập, tự chủ cho lịch sử dân tộc.
Tô Nga
Theo MaskOnline