Di sản – Bảo tồn

“Đánh thức” các di sản công nghiệp 

Công tác triển khai thực hiện các hoạt động Hà Nội tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, phát triển công nghiệp văn hóa với nhiều đổi mới, sáng tạo, đã góp phần  “đánh thức” các di sản công nghiệp, biến chúng thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc thu hút hàng vạn du khách tới thưởng lãm.

Năm 2023, Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác năm: Công tác Quản lý di sản văn hóa vật thể; Công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể; Công tác đặt tên đường phố; Triển khai thực hiện các hoạt động Hà Nội tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, phát triển công nghiệp văn hóa; Công nghiệp văn hóa. Trong đó, công tác triển khai thực hiện các hoạt động Hà Nội tham gia mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, phát triển công nghiệp văn hóa với nhiều đổi mới, sáng tạo, đã góp phần  “đánh thức” các di sản công nghiệp, biến chúng thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc thu hút hàng vạn du khách tới thưởng lãm.

 Chuyến tàu di sản 

Ảnh: Trần Việt Đức

Theo định nghĩa của Ủy ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp”, bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ, nơi chế biến, kho và cửa hàng, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả những địa điểm phục vụ sinh hoạt của lực lượng xã hội (công nhân) tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp.

Không gian sáng tạo tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung, gắn với từng giai đoạn lịch sử của “nền văn minh công nghiệp thế giới”, có điểm khởi đầu vào khoảng cuối thế kỷ XVIII. Các di sản công nghiệp đều mang nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn về lịch sử, xã hội, khoa học và giá trị thẩm mỹ.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo là hoạt động thường niên của thành phố Hà Nội nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. Có thể nói, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã được nâng tầm cả về chất và lượng. Được tổ chức trong 12 ngày (kéo dài hơn 2 ngày so với dự kiến để đáp ứng nhu cầu của du khách), Lễ hội thực sự trở thành điểm nhấn của văn hóa Thủ đô những ngày cuối tháng 11/2023. Với chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo, lễ hội bao gồm hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc, hơn 20 trưng bày và triển lãm, hơn 20 hội thảo, tọa đàm trong đó có 05 hội thảo quốc tế, 09 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo. Nội dung các sự kiện xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô. Tinh thần “Đánh thức vẻ đẹp di sản từ nền tảng sáng tạo cộng đồng” đã xuyên suốt chiều dài lễ hội, thấm đẫm và hiện hữu trong từng hoạt động của lễ hội. Tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên, nhà máy xe lửa Gia Lâm, ga Hà Nội, ga Long Biên… được các kiến trúc sư, nghệ sỹ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đặt tiền đề biến các di sản công nghiệp trở thành không gian sáng tạo trong thời gian tới.

Tháp nước Hàng Đậu – không gian nghệ thuật đầy màu sắc

Lần đầu tiên tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội có hành trình trải nghiệm lễ hội, mang đến cho khách tham quan những cảm xúc mới lạ và lý thú. Chuyến tàu di sản xuất phát từ ga Long Biên, với chặng di chuyển xuyên qua cầu Long Biên trên con sông Hồng lịch sử, ngắm nhìn cuộc sống và phong cảnh tuyệt đẹp từ khung cửa sổ toa tàu trước khi tới ga Gia Lâm để thỏa thích trải nghiệm các hoạt động tại đây. Du khách được ngắm phố phường Hà Nội dưới một góc nhìn mới lạ, độc đáo. Không chỉ đóng vai trò là chuyến tàu kết nối du khách đến với các di sản của Thủ đô, trên những chuyến tàu đặc biệt này, ngành đường sắt đã dành riêng một số toa xe để làm khu vực sinh hoạt cộng đồng cho hành khách. Một số toa tàu có các ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là một trong những công trình đường sắt trọng yếu do người Pháp xây dựng tại Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, hiện là một di sản công nghiệp quan trọng của ngành đường sắt và của Việt Nam nói chung. Nhà máy Xe lửa Gia Lâm lần đầu được biết đến với tư cách một tổ hợp sáng tạo nghệ thuật độc đáo nhờ vào việc cải tạo, thiết kế, sắp đặt các không gian nhà xưởng, kho bãi thành những không gian nghệ thuật, đồng thời với việc tổ chức hàng loạt hoạt động sáng tạo. Các không gian pavilion (những công trình kiến trúc đem tới không gian mở, nơi diễn ra các hoạt động…) mang tới những câu chuyện và các cung bậc cảm xúc khác nhau về Thủ đô nghìn năm dưới góc nhìn khác biệt về một Hà Nội sáng tạo và đậm chất nghệ thuật.

Tháp nước Hàng Đậu, một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, ánh sáng và âm thanh được nhóm thiết kế gồm các kiến trúc sư, họa sĩ thực hiện. Các tác phẩm làm nên không gian nghệ thuật bên trong tháp nước đều là vật liệu tái chế. Âm thanh của tiếng nước rơi được thu âm và phát trực tiếp, kết hợp với hiệu ứng ánh sáng giúp không gian tháp nước như được mở rộng.

Trái với vẻ ồn ào, náo nhiệt của ngã 6 sôi động, nơi Tháp nước tọa lạc, đến với công trình được người Pháp xây vào năm 1894 này, du khách như lạc vào không gian yên tĩnh, đầy mê hoặc bên trong tháp nước với con đường gỗ, với những mảng xanh đỏ và âm thanh của nước. Ấn tượng, thích thú là cảm xúc của rất nhiều người sau khi được trải nghiệm bên trong tháp nước.

Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 đã thu hút hơn 20 vạn lượt người tham gia và trải nghiệm các hoạt động. Điều đó đã nói lên sức hấp dẫn của lễ hội nói chung, của hai di sản công nghiệp được “đánh thức” nói riêng.

“Đánh thức” di sản, khơi nguồn sáng tạo đã và đang là xu hướng nhận được sự đón nhận, hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân, du khách trong và ngoài nước, và phần nào hiện thực hóa việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa hiện nay trên địa bàn Thủ đô.

Thanh An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *