Văn hoá đời sống

Dành trọn đam mê cho chèo

Ông Phạm Anh Hóa  Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân […]

Ông Phạm Anh Hóa

 Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Bởi nhiều yếu tố tác động, những năm gần đây, loại hình nghệ thuật này ít nhiều bị mai một, phần bởi sự xâm lấn của nhiều loại hình giải trí khác, phần bởi còn ít người nặng lòng với bộ môn này. Vậy nhưng, về với xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, chèo vẫn có sức sống mãnh liệt. Ra đời từ năm 1930,  dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng hiện nay, Đội văn nghệ  (thuộc Câu lạc bộ gia đình văn hóa) làng Nghiêm Xá, xã Nghiêm Xuyên luôn khẳng định được hiệu quả trong  đời sống văn hóa tinh thần của bà con trong xã cũng như góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, địa phương tới các tầng lớp nhân dân. Những buổi biểu diễn của Đội văn nghệ đông chật người xem với những tràng pháo tay vang dội, nhiều tiết mục được tham dự hội diễn của xã, của huyện, đoạt nhiều thành tích cao. Người có công gây dựng, phát triển đội văn nghệ chính là ông Phạm Anh Hóa, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghiêm Xuyên, nguyên Chủ nhiệm Đội văn nghệ.

Ông Hóa là người Nghiêm Xuyên. Chính mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và có phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh, trong đó có loại hình chèo, đã thấm đẫm vào ông niềm yêu thích, say mê với chèo. Niềm đam mê ấy càng bùng cháy khi ông  được nghỉ hưu, có thể toàn tâm toàn ý với chèo. Ông đã hăng hái đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Đội văn nghệ của thôn, luôn sát cánh với anh chị em trong luyện tập, sinh hoạt, biểu diễn phục vụ các  kỳ cuộc của thôn, xã, huyện, ông đã góp phần đưa phong trào, chất lượng hoạt động của Đội văn nghệ ngày càng sôi nổi, được bà con yêu quý, ủng hộ. Với tình yêu nghệ thuật chèo, ông đã dành thời gian sáng tác nhiều tác phẩm cho đội biểu diễn. Những tác phẩm của ông đa dạng về nội dung, bám sát  hơi thở của cuộc sống, những nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương có tác dụng thiết thực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ, khích lệ nhân dân làm theo cái mới, cái tiến bộ; lên án, phê phán những cái lạc hậu, cổ hủ. Có thể kể ra nhiều vở diễn đã gây tiếng vang trong lòng nhân dân: Vẹn cả đôi đường (nội dung tuyên truyền, cổ vũ nhân dân thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới); Hãy nói đi em (áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ở Nghiêm Xuyên); Vì đâu (phòng chống tệ nạn xã hội); Dù thế nào anh vẫn yêu em (Động viên người dân ra công tác ở biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc), Tình yêu bên dòng sông Nhuệ (ca ngợi tình yêu quê hương đất nước)…

Ông Hóa tâm sự, bản thân ông không được học qua trường lớp nào về sáng tác, dàn dựng các tiết mục chèo. Với niềm đam mê chèo, ông dành thời gian tự học, tự trau chuốt để mỗi nhân vật thực sự có chỗ đứng trong lòng khán giả, chất lượng vở diễn ngày càng cao hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ những tác phẩm văn hóa lành mạnh, bổ ích của bà con. Niềm trăn trở của ông và nhiều diễn viên Đội văn nghệ đó là có được sân chơi để giao lưu, học hỏi với các câu lạc bộ, những người cùng có niềm đam mê chèo, để tiếng hát chèo được bay cao, bay xa, làm giàu thêm đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn. Ông cũng mong ước có thêm nhiều bạn trẻ yêu chèo, đến với chèo để giữ gìn, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc. (Hiện nay, Đội văn nghệ Nghiêm Xá có 32 thành viên, người cao nhất đã 80 tuổi, người trẻ nhất cũng 45 tuổi). Ông cũng chia sẻ thêm, ông yêu chèo bởi đến với giai điệu của chèo làm ông thấy tâm hồn mình bay bổng, thêm yêu đời, yêu mảnh đất quê hương.

Chia tay ông Hóa, trong tôi vẫn ngân nga những giai điệu sâu lắng của chèo do các thành viên Đội văn nghệ Nghiêm Xá biểu diễn. Giữa những âm thanh tấp nập của cuộc sống đời thường, chèo ở Nghiêm Xá vẫn có sức sống mãnh liệt bởi những người đam mê, có tình yêu mãnh liệt với chèo như ông Phạm Anh Hóa.

Những kịch bản chèo được ông Hóa lưu giữ cẩn thận

 

Khánh Vân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *