Thư viện

Dấu ấn Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024

Chương trình tham dự Chung khảo Cuộc thi của các đội tuyển được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, minh họa sân khấu, dàn dựng công phu, chỉn chu, đặc sắc; ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình tạo hiệu ứng cao. Các thành viên tuyên truyền chính có giọng nói biểu cảm, thu hút người nghe và có sự tương tác với phần minh họa hiệu quả hơn vòng Sơ khảo Cuộc thi…

Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long – Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức, là nội dung nằm trong kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/1954), tiếp tục cụ thể hóa Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng của Chính phủ, Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Những hình ảnh của các quận, huyện, thị xã tổ chức Cuộc thi từ cấp cơ sở

Xếp sách nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và trưng bày các bài dự thi cá nhân Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024

So với các năm trước, Cuộc thi năm nay có điểm mới là kết hợp 2 hình thức thi tập thể (Tuyên truyền giới thiệu sách) và cá nhân (Đại sứ Văn hóa đọc). Đối với hình thức thi tập thể: Các đội tuyển lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách viết về Thủ đô Hà Nội – Thành phố Vì hòa bình – Thành phố Sáng tạo, về văn hóa, con người, lịch sử, danh thắng, truyền thống cách mạng của Thủ đô anh hùng. Hình thức thi cá nhân: Các thí sinh gửi bài dự thi dưới dạng bài viết, video clip, tác phẩm hội họa và đổi mới, hấp dẫn hơn của mỗi phần thi là thuyết trình, hùng biện trên sân khấu.

Sau một thời gian phát động Cuộc thi, Ban Tổ chức nhận được 354.632 bài dự thi (bài viết, video clip, tác phẩm hội họa) của 1.335 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội; có 546 xã, phường, thị trấn thành lập đội tuyển tham gia thi tập thể (Tuyên truyền giới thiệu sách). Hội đồng Giám khảo chấm thi phiên thứ nhất bài dự thi của các cá nhân và đã lựa chọn được 67 tác phẩm dự thi xuất sắc để xếp giải cấp thành phố. Vòng Sơ khảo Cuộc thi cấp thành phố phiên thứ hai được tổ chức với các phần thi của 30 đội tuyển đến từ 30 quận, huyện, thị xã. Ban Giám khảo và Ban Tổ chức chọn ra 6 tập thể, 6 cá nhân có phần dự thi xuất sắc vào vòng Chung khảo.

Theo đánh giá của Ban Giám Khảo, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 đạt chất lượng cao hơn cả về nội dung và hình thức; số lượng bài dự thi tăng gần 300% so với năm 2023. Tại Chung khảo Cuộc thi năm nay: Với hình thức thi tập thể, các đội tuyển giới thiệu vui tươi, sinh động, rõ nét tới bạn đọc về danh lam thắng cảnh, về phong trào đọc sách tại địa phương, những sở thích của từng thành viên trong đội tuyển rất sáng tạo bằng những câu thơ, hát, vè, điệu trống, nhịp phách… Các đội tuyển lựa chọn tác phẩm phù hợp với lứa tuổi, nội dung, bố cục bài viết logic, biết tìm điểm nhấn của tác phẩm để giới thiệu đến người nghe. Các thí sinh liên hệ bản thân đưa ra được những thông điệp, kế hoạch, việc làm ý nghĩa sau khi đọc tác phẩm để ứng dụng vào học tập cũng như lan tỏa những việc làm có ích tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Chương trình tham dự Chung khảo Cuộc thi của các đội tuyển được đầu tư kỹ lưỡng về trang phục, minh họa sân khấu, dàn dựng công phu, chỉn chu, đặc sắc; ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình tạo hiệu ứng cao. Các thành viên tuyên truyền chính có giọng nói biểu cảm, thu hút người nghe và có sự tương tác với phần minh họa hiệu quả hơn vòng Sơ khảo Cuộc thi.

Các đội tuyển Tuyên truyền giới thiệu sách tại Chung khảo Cuộc thi

Có thể kể đến như, đội tuyển quận Long Biên dàn dựng màn Chào hỏi và Tuyên truyền giới thiệu sách “Sống mãi với Thủ đô” của Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất sôi động, hoành tráng, trầm hùng. Thông qua cuốn sách, đội tuyển đã truyền tải tinh thần yêu quê hương, đất nước, sự hy sinh vĩ đại của những người con Hà Nội đến thế hệ trẻ, để biết ơn, trân trọng. Những chủ nhân tương lai của đất nước nguyện học tập và rèn luyện thật tốt để chung tay xây dựng Thủ đô văn minh hơn, giàu đẹp hơn. Các tuyên truyền viên đồng thanh hô vang khẩu hiệu: “Yêu Hà Nội, giữ gìn vệ sinh xanh, sạch, đẹp. Yêu Hà Nội, thực hiện tốt Luật an toàn giao thông. Yêu Hà Nội, giao tiếp ứng xử có văn hóa. Hà Nội đẹp thì chúng ta sống đẹp”.

Đội tuyển huyện Đông Anh đến với Cuộc thi với phương châm “Đoàn kết, giao lưu, học hỏi”. Đội tuyển giới thiệu cuốn sách “Hào khí Thăng Long – Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh” do Nguyễn Duy Tường và Chu Thanh Hải cùng biên soạn đã khái quát chung nhất sự nghiệp kháng chiến vẻ vang của dân tộc, miêu tả sự hào hùng, bất khuất, kiên cường của người lính Việt Nam, khẳng định sứ mệnh lịch sử của đất và người Thăng Long – Hà Nội, hào khí Thăng Long – Hà Nội trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đội tuyển huyện Đông Anh giới thiệu cuốn sách nhằm cung cấp tư liệu hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu thêm về lịch sử đấu tranh của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, đồng thời qua đó cũng khẳng định “Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Phát huy hào khí Thăng Long – Hà Nội, đội tuyển huyện Đông Anh tự hào khi huyện Đông Anh đang từng bước chuyển mình thành quận, Nhân dân huyện Đông Anh đã và đang tiếp tục cùng Nhân dân Thủ đô xây dựng, phát triển Thủ đô lên tầm cao mới. Trong hành trình phát triển Thủ đô, học sinh huyện Đông Anh quyết tâm rèn đức, luyện tài, trau dồi ngoại ngữ, rèn luyện sức khỏe để tiếp bước cha ông, xứng đáng là chủ nhân tương lai của mảnh đất nghìn năm văn hiến…

Các cá nhân Thuyết trình, hùng biện tại Chung khảo Cuộc thi

Với hình thức thi cá nhân (Đại sứ Văn hóa đọc Thuyết trình, hùng biện): Ngoài chia sẻ các tác phẩm ấn tượng, các thí sinh còn sáng tác các câu chuyện, bài thơ về thư viện, về Thủ đô Hà Nội với giọng văn trong sáng đúng với lứa tuổi học sinh. Nhiều thí sinh đã đưa ra kế hoạch hành động, chiến lược dự án cho bài dự thi của mình nhằm mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về ý nghĩa của việc đọc sách, gắn kết mọi người qua những cuốn sách hay, thu hút đối tượng đọc sách tìm đến sách như một phương thức “chữa lành”… hay đưa ra những lợi ích khi truyền thông qua Spotify để tiết kiệm thời gian, truyền cảm hứng qua giọng nói… Bằng cách thuyết minh, hùng biện súc tích và phần minh họa sân khấu đặc sắc, hấp dẫn, các tiết mục ứng dụng công nghệ thông tin sáng tạo, hiệu quả làm cho chương trình sống động, lôi cuốn, thuyết phục người nghe.

Đơn cử như, thí sinh Trương Bảo Long – Lớp 5A1, Trường Tiểu học Phú Cường, huyện Sóc Sơn tham dự Cuộc thi đã sáng tác bài thơ “Chiếc gối sách êm”. Qua bài thơ, em muốn gửi đến tất cả mọi người trên thế giới một thông điệp rằng: “Việc đọc sách rất quan trọng, biết đọc và biết học giúp chúng ta mở ra cánh cửa bước vào thế giới rộng lớn”. Từ những thói quen đọc sách hàng ngày, em lập ra kế hoạch dành cho cộng đồng và bản thân nhằm mục đích phát triển văn hóa đọc ngày càng trở nên sâu rộng hơn. Để làm việc đó cần mở công viên sách, thành lập ban biên tập kích thích sự sáng tạo của các bạn học sinh; tổ chức trong trường, xã, huyện các cuộc thi đọc sách; quyên góp sách cho các thư viện nghèo vùng cao; lập ra kênh youtube giới thiệu về sách; tăng thêm giờ đọc sách… Em kêu gọi các bạn học sinh hãy cùng nhau chung tay làm những việc thiết thực bằng cách “Mỗi ngày dành ít nhất 1 giờ để đọc sách, mỗi tuần đọc ít nhất một cuốn sách”, bởi đọc sách giúp bản thân chúng ta ngày càng hoàn thiện, tốt đẹp hơn.

Thí sinh Trần Hoàng Linh – Lớp 11 Văn, Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ lựa chọn cuốn sách “Phố phường Hà Nội xưa” của tác giả Hoàng Đạo Thúy cho phần thi thuyết trình, hùng biện của mình nhằm giúp mỗi người có cách nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về lịch sử hình thành, phát triển của Thủ đô từ thuở xa xưa, nhất là những nét văn hóa đặc trưng, truyền thống được giữ gìn, lưu truyền tới ngày nay, làm nên bản sắc văn hóa của con người và phố phường Hà Nội; đồng thời lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô nghìn năm văn hiến trên hành trình hội nhập, phát triển. Đọc cuốn sách khiến em hay bất kỳ bạn trẻ nào như được trao truyền nguồn cảm hứng mạnh mẽ, hướng tới những điều tích cực, xây dựng một lối sống văn hóa lành mạnh để thêm tự hào và yêu Hà Nội hơn, tiếp tục phát huy hào khí Thăng Long – Hà Nội, xây dựng và phát triển đất nước.

Nghĩ việc đọc sách, quảng bá những cuốn sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, em Trần Hoàng Linh đã thiết lập một dự án phát triển văn hóa đọc của riêng mình có tên “Tựa sách”. Cụ thể tổng quan dự án được gửi trọn vẹn vào phần chính văn giúp Ban Giám khảo, các bậc phụ huynh và các bạn học sinh có thể quét mã QR trên màn hình để thấy được chi tiết hơn. Trong mã QR, đối tượng dự án hướng tới là toàn bộ công dân trên đất nước Việt Nam có chung khát vọng phát triển văn hóa cá nhân và văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, dự án sẽ được các bạn học sinh trên toàn thành phố Hà Nội là đối tượng điều hành. Dự án “Tựa sách” cũng có một chiến lược truyền thông chính là ứng dụng Sprotify – công cụ cung cấp nhạc, video kỹ thuật số vô cùng hiện đại. Thông qua dự án, em muốn nhắn gửi các bạn học sinh hãy biến hành trình tâm tưởng thành một hành trình khám phá thực sự bằng trải nghiệm văn hóa, lịch sử của Hà Nội không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả tương lai, để Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” trong hào khí Thăng Long mãi mãi hào hùng…

Bà Trịnh Thị Thuỷ – Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bà Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với thí sinh tham gia Chung khảo Cuộc thi

Bà Kiều Thúy Nga – Vụ Trưởng Vụ Thư viện và ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao giải tập thể 

Các đại biểu trao giải cá nhân

Các tiết mục tham dự Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội năm 2024 là những bông hoa đẹp chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thanh thiếu nhi nói riêng và trên địa bàn Hà Nội nói chung. Những nỗ lực, cố gắng của các tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi được ghi nhận. Ban Tổ chức trao 30 giải tập thể và 77 giải cá nhân, trong đó, 1 giải Nhất tập thể thuộc về đội tuyển huyện Đông Anh, 2 giải Nhất cá nhân thuộc về thí sinh Trần Hoàng Linh – Lớp 11 Văn, Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ và thí sinh Bùi Khánh Phương – Lớp 7A2, Trường THCS Nam Từ Liêm, quận Nam Từ Liêm.

Cuộc thi đã khép lại nhưng dư âm với biết bao cung bậc cảm xúc về việc dàn dựng chương trình dự thi bài bản, công phu, tâm huyết mà các đơn vị mang đến Cuộc thi; với niềm vui, sự phấn khởi, kỳ vọng vào những chủ nhân tương lai của đất nước vẫn đọng lại trong lòng quý vị đại biểu và các bậc phụ huynh. Mong rằng Cuộc thi sẽ trở thành sân chơi bổ ích, lý thú, ngày càng thu hút đông đảo thanh thiếu nhi Thủ đô tham gia trong những năm tiếp theo./.

Thảo Nhi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *