Cuộc sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa. Vì vậy, việc xây dựng tài liệu, giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh là việc làm có ý nghĩa quan trọng của ngành giáo dục và đào […]
Cuộc sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa. Vì vậy, việc xây dựng tài liệu, giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh là việc làm có ý nghĩa quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Người Hà Nội và phẩm chất thanh lịch, văn minh
Từ bao đời, các nét thanh lịch, văn minh thường được nhắc đến như bản sắc đặc trưng của người Hà Nội. Hẳn vì thế, người Hà Nội hằng tự hào với lời ngợi khen: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Nét Tràng An ấy được kết tinh trong hình ảnh người Hà Nội văn hóa. Đó là tinh hoa tích tụ từ hàng nghìn năm, từ trăm miền đất nước kết tinh thành nét đẹp văn hóa Thăng Long – Hà Nội đáng quý, mang đậm giá trị của sự lịch lãm, tinh tế, hào hoa, mềm mỏng, thông tuệ, nghĩa hiệp, nhân ái, tôn trọng kỷ cương, luật lệ và phép nước.
Hà Nội văn hiến ngàn năm, sáng ngời truyền thống về một chốn kinh kỳ từ cách ăn mặc cũng toát lên dáng vẻ chỉnh tề, lịch thiệp, khoan thai; nơi mà người ta thể hiện tâm tình qua câu nói nhẹ nhàng bặt thiệp, lúc nào cũng thể hiện sự lễ phép, tôn trọng, kính nhường; nơi mà dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào họ cũng thảo thơm, nhã nhặn. Thành phố như được tô điểm thêm bởi vẻ đẹp chân tình sâu lắng của tình người, tình đời thiết tha như thế. Chính nét Tràng An ấy đã hun đúc nên một nền “văn hóa Thăng Long” rất riêng, rất đáng tự hào của Thủ đô, chất văn hóa vô cùng tự nhiên đã ngấm sâu vào máu của mỗi cá nhân, truyền từ đời này sang đời khác.
Hiện nay, cùng với tốc độ phát triển của một thủ đô, đô thị lớn hiện đại, Hà Nội đang biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt. Người Hà Nội mang phong cách hiện đại, lối ứng xử tự tin, giới trẻ giỏi vận dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào học tập, nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh,… Bên cạnh đó, mặt trái của quá trình mở rộng giao lưu, hội nhập cũng có những tác động không nhỏ. Đó đây đã thấy sự phai nhạt trong ứng xử văn hóa, đạo đức, nét thanh lịch truyền thống qua nhiều biểu hiện trong cuộc sống hằng ngày ở mọi tầng lớp, môi trường. Cuộc sống đô thị hiện đại đã ít nhiều làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của Hà Nội xưa. Vì vậy, việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô.
Các nội dung thanh lịch, văn minh tích hợp trong dạy học cho học sinh phổ thông Hà Nội
Căn cứ mục tiêu giáo dục, căn cứ đặc điểm tâm lý phát triển học sinh, bộ tài liệu đã đề cập các nội dung giáo dục từ những điều đơn giản đến các bình diện và lĩnh vực tinh tế, thiết thực. Chẳng hạn, ở bậc giáo dục tiểu học, học sinh được học từ: cách hỏi và trả lời, lời chào, bữa ăn trong gia đình, bữa ăn bán trú, trang phục tới trường, trang phục ở nhà, cách đi – đứng của các em, vui chơi ở trường,… đến tôn trọng người nghe, bữa ăn cùng khách, trang phục thể thao, cách nằm – ngồi của các em, nói lời hay, cử chỉ đẹp, vui chơi lành mạnh, giao tiếp với người lạ, kính trọng người lớn tuổi, giao tiếp với người nước ngoài,… Cao hơn, ở cấp trung học cơ sở, học sinh được học kỹ hơn về giá trị của thanh lịch, văn minh – nét đẹp của người Hà Nội: cách ăn uống của người Hà Nội; trang phục của người Hà Nội; tiếng nói của người Hà Nội; giao tiếp ứng xử trong gia đình và trong xã hội; tác phong của người Hà Nội; ứng xử với môi trường tự nhiên, khi tham gia giao thông và với di tích, danh thắng. Đến cấp trung học phổ thông, học sinh được học về xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; phong cách thanh lịch, văn minh trong giao tiếp gia đình và ngoài xã hội; người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong giao lưu và hội nhập quốc tế,…
Nhìn chung, bộ tài liệu được xây dựng nhằm hướng dẫn kỹ năng sống có văn hóa cho học sinh phổ thông, định hướng và chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho học sinh, tập trung vào 5 vấn đề cơ bản: Khái niệm thanh lịch, văn minh; Phong cách thanh lịch, văn minh; Giao tiếp thanh lịch, văn minh; Ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng; Ứng xử thanh lịch, văn minh với thiên nhiên môi trường.
Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, cấp độ và hành vi cũng khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Vì vậy, theo từng cấp học, các nội dung được đề cập theo mức độ ngày càng cao hơn, rộng hơn và khái quát hơn:
– Ở cấp tiểu học: Tập trung chỉ dẫn hành vi cá nhân cụ thể về ăn, mặc, nghe, nói, cử chỉ cơ bản; hướng dẫn về giao tiếp và ứng xử thanh lịch, văn minh. Các nội dung đề cập ở mức sơ đẳng nhất, gần gũi và dễ vận dụng trong đời sống hằng ngày.
– Ở cấp trung học cơ sở: Tập trung hướng dẫn hành vi cá nhân về ăn, mặc, nghe, nói, cử chỉ cơ bản; hướng dẫn về giao tiếp và ứng xử thanh lịch, văn minh giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên môi trường,… Đây là cấp được trang bị kiến thức một cách cơ bản nhất, hoàn chỉnh nhất.
– Ở cấp trung học phổ thông: Đề cập đến khái niệm và giao tiếp thanh lịch, văn minh; ứng xử thanh lịch, văn minh nơi công cộng và với thiên nhiên môi trường; thanh lịch văn minh trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Với cấp học này, việc tiếp cận kiến thức có tính tích hợp cao hơn, hướng tới chủ thể của giao tiếp ứng xử là người trưởng thành với tư cách công dân ở ngoài xã hội, với người nước ngoài trong thời kỳ hội nhập.
Như vậy, với hệ thống nội dung, chủ đề giáo dục, có thể thấy đây là một bộ tài liệu thiết thực, đưa học sinh vào những bài học thực tế của cuộc sống, từ những điều tưởng chừng rất nhỏ, biết nói “cảm ơn – xin lỗi” đúng hoàn cảnh, biết chọn quần áo mặc phù hợp với lứa tuổi, với môi trường văn hóa, các em tự hào khoác lên bộ đồng phục của trường mỗi khi tới lớp. Trong lớp học, học sinh biết tự sắp xếp bàn học, ngăn bàn, hộc tủ cho ngăn nắp; khi ăn trưa biết xếp hàng chờ đến lượt mình lấy đồ ăn; thân thiện với bạn bè, bình tĩnh khi xử lý các tình huống phát sinh… Qua từng bài học, giáo viên có thể giúp học sinh từng bước hoàn thiện nhân cách và lối sống, góp phần phát huy được nét thanh lịch truyền thống của người Hà Nội, khơi dậy trong học sinh niềm tự hào và biết khắc phục những hành vi chưa chuẩn mực, chưa văn minh ngay từ cấp tiểu học và các cấp học cao hơn, tạo điều kiện cho học sinh có được những nhận thức đúng đắn để phát triển toàn diện mọi mặt, sống có văn hóa.
Qua thực tiễn dạy học, do nội dung các bài giảng đi vào thực tế, là các câu chuyện, tình huống cụ thể để các em học sinh phân tích, nhận thức đúng, sai, từ đó hướng thực hiện hành vi hợp đạo lý, đạo đức,… cho thấy nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh được đánh giá là cơ bản phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh, đáp ứng nhu cầu thực tế, giúp học sinh học hỏi, kế thừa và tiếp thu truyền thống thanh lịch, văn minh, nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Điều đó đã góp phần tích cực trong hình thành nhân cách, từ giao tiếp ứng xử, thực hiện nội quy, quy định của các nhà trường đến nếp sống thường ngày từ nếp ăn mặc, nơi ở gọn gàng, biết bày biện đẹp mắt; đi đứng, đầu tóc,… Các em có chuyển biến trong tích cực trong các các hành vi ứng xử giao tiếp, biết mời chào, thưa gửi với mọi người lễ phép và tình cảm, trong thực hiện vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn di sản văn hóa,…
Việc dạy học tích hợp nội dung giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh đồng thời với việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực. Không chỉ là những khái niệm được nghiên cứu trong tài liệu, sử sách, học sinh được trải nghiệm những nội dung học tập ngay trong đời sống thường ngày. Qua đó, học sinh cảm nhận vẻ đẹp của Hà Nội. Những hàng cây, góc phố, những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tạo cho Hà Nội một vẻ đẹp duyên dáng mà ai từng đến Hà Nội một lần cũng khó quên được. Hà Nội đang đổi thay, phát triển. Bên cạnh một Hà Nội ồn ào, hiện đại, ta vẫn có thể tìm thấy một Hà Nội cổ xa, yên bình, nên thơ. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh còn làm đời sống tinh thần người Hà Nội phong phú.
Cuộc sống hiện đại hôm nay dẫu cũng có những vội vã, vất vả nhưng những giá trị cao đẹp và nhân văn thì mãi mãi trường tồn vì đó là giá trị của chân – thiện – mỹ; cũng như vẻ đẹp của người Tràng An vẫn song hành tồn tại trong những ý thức gìn giữ, bảo tồn nét thanh lịch ngàn đời. Và dù xã hội có phát triển đến đâu đi chăng nữa, mỗi chúng ta dẫu có phải là người dân đất kinh kỳ hay không, hãy luôn giữ nét văn hóa đáng trân trọng ấy, giữ từ những điều giản dị nhất, từ lời ăn tiếng nói, đến cách cư xử với nhau. Bởi những nét Hà Nội nhất cũng là những nét văn hóa đặc trưng nhất của người Việt chúng ta. Gìn giữ hôm nay, để có thể đến ngày mai, Hà Nội sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhưng nét văn hóa Hà Thành thì vẫn luôn lan tỏa cùng với thời gian./.
Nguyễn Trọng Huân – Hoàng Thị Thanh Hà