Sự kiện

Đẩy mạnh tuyên truyền Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030

Ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 161/KH-BGDĐT thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đối với Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020: 80% học sinh, sinh viên được tiếp […]

Ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 161/KH-BGDĐT thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đối với Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020: 80% học sinh, sinh viên được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; 90% học sinh, sinh viên có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, trí thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí; 80% trẻ mầm non được tiếp cận và thường xuyên nghe đọc sách, giúp trẻ nuôi dưỡng tình yêu với sách và hình thành thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ.

100% cơ sở giáo dục có thư viện hoạt động hiệu quả, trong đó, 100% cơ sở giáo dục mầm non có thư viện thân thiện; 50% cơ sở giáo dục phổ thông có tủ sách lớp học; 80% thư viện của các trường đại học, học viện, trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục có đủ vốn tài liệu chuyên sâu.

Định hướng đến năm 2030: 100% học sinh, sinh viên có thói quen đọc sách, có kĩ năng tiếp cận sử dụng thông tin tại nơi sinh sống và học tập. Các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc được duy trì và củng cố. Các hoạt động khuyến đọc phong phú, đa dạng và hiệu quả, môi trường đọc tiếp tục được cải thiện.

Để hoàn thành được các mục tiêu trên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc sách; Viết bài đăng báo, thực hiện clip phỏng vấn và ghi hình các mô hình thư viện thân thiện hoạt động có hiệu quả, có sức lan tỏa trong nhà trường và cộng đồng; Biểu dương những điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc và các cá nhân thành đạt nhờ đọc nhiều sách.

Đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động thư viện trường học nhằm tạo môi trường thuận lợi học sinh tiếp cận thường xuyên với sách bằng nhiều hình thức như “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, “thư viện lưu động”, “thư viện linh hoạt”, “thư viện điện tử”…, xây dựng tủ sách lớp học.

Tổ chức phát động các sự kiện, các hoạt động giao lưu, các cuộc thi, các buổi tọa đàm,… nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý, người dân đọc sách.

Các nhà trường đổi mới hoạt động của thư viện trường học, tuyên truyền về phát triển văn hóa đọc, tổ chức các hoạt động khuyến đọc, tạo thói quen đọc cho học sinh, sinh viên; đổi mới hoạt động thư viện gắn với đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá và hoạt động của các câu lạc bộ nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực đọc sách…

Cổng GTĐT TP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *