Hà Nội đẹp

Đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025

Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành uỷ Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn số 06-HD/BTGDVTU về việc tuyên truyền đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025.

badinh4-1-(1).jpg
Cán bộ CSGT tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn an toàn giao thông cho các em học sinh. Ảnh minh họa

Mục đích của việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong việc thực hiện Luật Giao thông 2025 và các nghị định, thông tư hướng dẫn mới nhất như: Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024; Luật Đường bộ 2024… và các nhiệm vụ, giải pháp của thành phố để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông gắn với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

Đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường hiệu lực và siết chặt kỷ cương của lực lượng thực thi pháp luật về trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông, phục vụ cuộc sống hàng ngày của Nhân dân Thủ đô.

Vì vậy, công tác tuyên truyền cần tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn với chuyển đối số, chú trọng làm điểm, nhân rộng điển hình, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa của tất cả mọi người khi tham gia giao thông, hướng tới một môi trường giao thông “Trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện” trong toàn Thành phố với chủ đề “Hành trình an toàn,kiến tạo tương lai” và chủ đề công tác năm của thành phố Hà Nội “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Theo đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội dung như: Tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của trung ương và thành phố; Các văn bản của Thành uỷ; HĐND và UBND thành phố. Trong đó, trọng tâm tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, xây dựng “nếp sống văn hóa giao thông” và “văn minh đô thị”, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; tăng cường trật tự an toàn giao thông, đảm bảo đường thông, hè thoáng; quy tắc giao thông đường bộ, các quy định, chế tài cụ thể xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông, các hành vi vi phạm quy định về trật tự đô thị; tuyên truyền các quy định quản lý lòng đường, vỉa hè, bán hàng rong; xử phạt uống rượu bia đối với người lái xe; tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới đường bộ; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; lên án những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, phá hoại kết cấu công trình giao thông… Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Tiếp tục tuyên truyền chấp hành và thực hiện Luật Đường sắt: Đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm đường ngang giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, không vi phạm bảo vệ các công trình đường sắt; không vượt rào, chắn đường ngang; không để phát sinh các lối đi tự mở, xây dựng kế hoạch thực hiện để từng bước đóng các lối đi tự mở trên địa bàn quản lý; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng… gắn với việc thực hiện tốt công tác phối hợp theo Quy chế phối hợp số 33/QCPH-BGTVT-UBND ngày 13/8/2013; Kế hoạch 216/KH-UBND ngày 11/11/2020 thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 phê duyệt đề án đảm bảo trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn thành phố Hà Nội và quy định mới về tham gia giao thông đường ngang, cầu chung đường sắt được thực hiện theo quy định mới theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024…

Tuyên truyền chấp hành và thực hiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường thủy: Chấp hành nghiêm túc việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy; không chở quá số người quy định; người điều khiến, người ngồi trên đò, thuyền, phương tiện thủy phải mặc áo phao hoặc sử dụng phao cứu sinh theo quy định…

Tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền các chỉ tiêu, mục tiêu chủ yêu về giao thông của Thành phố; Tuyên truyền các chuẩn mực, thái độ, hành vi tuân thủ cac quy tắc, quy định của pháp luật trong quản lý trật tự đô thị và khi tham gia giao thông; Tuyên truyền về các mô hình làm điểm; Tiếp tục tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, chú trọng tuyên truyền, biểu dương gương người tốt – việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án kịp thời các hành vi cố ý vi phạm, coi thường kỷ cương, pháp luật giao thông; đồng thời gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền với các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước, nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống ngàn năm Thăng Long – Hà Nội và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Về phương châm thực hiện, cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền đảm bảo nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực, phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể. Chú trọng các hình thức tuyên truyền có hiệu quả cao và trực tiếp tới người dân. Tập trung tuyên truyền cho đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, học sinh, sinh viên…”.

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được giao nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Sở Xây dựng hướng dẫn các cơ quan báo chí Trung ương, Thành phố và địa phương phối hợp công tác với UBND Thành phố; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến các tầng lớp Nhân dân theo chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”.

Chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện: Đã uống rượu, bia, không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; dùng lại quan sát an toàn trước khi đi qua đường ngang đường sắt; mặc áo phao đúng quy định khi đi phà, đò.

Tuyên truyền biểu dương các gương người tốt – việc tốt, điển hình tiên tiến trong giữ gìn bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phê phán các hành vi cố ý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; lên án các hành vi vi phạm gây phản cảm xã hội, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng chuyên mục hướng dẫn tham gia giao thông an toàn.

Chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành dọc và các đơn vị chức năng tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, triển lãm, sáng tác phẩm văn hoá, nghệ thuật dân tộc; tổ chức các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa về văn hóa giao thông, tăng cường cổ động trực quan, panô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền xây dựng văn hóa an toàn giao thông ở khu trung tâm, địa phương, trường học, doanh nghiệp.

Thanh Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *