Chưa bao giờ vấn đề ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở nên đáng quan ngại như hiện nay. Do đó, việc giáo dục thuần phong mỹ tục, đặc biệt cho giới trẻ ngày càng trở nên bức thiết.
Đất nước ta đang trong thời kỳ mở cửa, hòa nhập với thế giới trong xu thế toàn cầu hóa. Ngoài những yếu tố tích cực mà sự mở cửa này đem lại, sự xâm nhập ồ ạt của lối sống phương tây có nguy cơ làm cho chúng ta có thể đánh mất đi bản sắc văn hóa tốt đẹp vốn có của mình. Chúng ta có thể thành công về mặt kinh tế nhưng nếu cả xã hội chúng ta sống không có đạo đức, tội ác lan tràn thì tương lai của dân tộc sẽ ra sao?
Chưa bao giờ vấn đề ứng xử nơi công cộng của người Việt lại trở nên đáng quan ngại như hiện nay. Do đó, việc giáo dục thuần phong mỹ tục, đặc biệt cho giới trẻ ngày càng trở nên bức thiết. Những phong tục tốt đẹp và lành mạnh, những quy chuẩn buộc xã hội nào cũng phải có. Thuần phong mỹ tục được hình thành theo thời gian, xuất phát từ chính lối sống của con người. Bảo vệ thuần phong mỹ tục không phải là bảo vệ cái xưa cũ mà chính là bảo vệ cái đúng, cái đẹp trong đời sống, cách ứng xử, giao tiếp, những đặc trưng văn hóa truyền thống…của một dân tộc.
Để định hướng cho các em tới những giá trị tốt đẹp, bổn phận của gia đình, xã hội phải trang bị cho các em những kiến thức đúng đắn, hướng các em về với những sinh hoạt lành mạnh, có đạo lý, biết tu dưỡng đạo đức, làm việc tốt,… Điều đó sẽ giúp các em sẽ có được sức đề kháng trong tâm để chống lại với những cám dỗ bên ngoài và sống có ý thức hơn.
Ngay từ năm học 2012-2013, Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo 100% các trường THPT, THCS và các trường Tiểu học triển khai giảng dạy Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh cho học sinh Thủ đô. Qua đó, đã định hướng và chỉ dẫn hành vi cá nhân trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử thanh lịch, văn minh cho học sinh. Nội dung Bộ tài liệu tập trung vào 5 vấn đề cơ bản: khái niệm thanh lịch – văn minh, phong cách thanh lịch – văn minh, giao tiếp thanh lịch – văn minh/ứng xử thanh lịch – văn minh nơi công cộng, ứng xử thanh lịch – văn minh với thiên nhiên, môi trường. Tùy theo từng cấp học, các nội dung được đề cập theo mức độ cao hơn, khái quát hơn.
Riêng trong năm học 2017-2018, theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường đã đa dạng hóa hình thức tổ chức giảng dạy bộ tài liệu với những trải nghiệm sân khấu hóa, khám phá di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội; tổ chức các cuộc thi viết về nếp sống thanh lịch – văn minh của người Hà Nội. Các phòng GD&ĐT, các nhà trường thường xuyên khuyến khích giáo viên cập nhật, gắn các nội dung của Bộ tài liệu với thực tế, giúp các em học sinh thấy được vẻ đẹp hiện hữu trong đời sống hàng ngày…
Qua thời gian thực hiện cho thấy, Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh cho học sinh Thủ đô đưa vào giảng dạy đã góp phần không nhỏ trong việc khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ học sinh ngày nay được kế thừa truyền thống thanh lịch, nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Thông qua đó, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của học sinh trong việc xây dựng nếp sống thanh lịch – văn minh ở Thủ đô. Cùng với đó đã từng bước tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành vi cho học sinh, giúp đào tạo, xây dựng thế hệ người Hà Nội thanh lịch – văn minh…
Năm học 2018-2019 và những năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT tiếp tục triển khai giảng dạy Bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch – văn minh cho học sinh Thủ đô. Trong đó, tăng cường công tác dự giờ, kiểm tra đánh giá việc thực hiện. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện Bộ tài liệu; bổ sung, giới thiệu tài liệu cho việc giảng dạy và học tập. Bồi dưỡng, tập huấn về nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế trên địa bàn…
Theo đánh giá chung, bộ tài liệu đã thực sự đem lại những bài học bổ ích cho học sinh Hà Nội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của học sinh, góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách, hướng đến mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Vi An
Theo MaskOnline