Những năm gần đây, TP Hà Nội đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong việc vận động tổ chức việc cưới theo hình thức văn minh.
Thế nhưng, dù được khuyến khích, song mô hình tổ chức lễ cưới với tiệc ngọt, tiệc trà đơn giản và tiết kiệm vẫn còn thưa vắng. Thực tế này đòi hỏi có thêm sự hưởng ứng của cả cộng đồng, để nhân rộng mô hình, giúp người dân và xã hội có thể trút bỏ gánh nặng tiệc cưới…
Điểm nhấn… mờ nhạt
Là một trong những hộ gia đình ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên hưởng ứng phong trào tổ chức lễ cưới bằng tiệc ngọt, tiệc trà, gia đình ông Nguyễn Văn Hương (thôn An Mỹ) không băn khoăn gì khi thực hiện mô hình này dù có đông họ hàng, anh em, bạn bè. Ông Nguyễn Văn Hương chia sẻ: “Gia đình tôi thấy chủ trương đó văn minh, phù hợp nên hai bên thông gia đều vui vẻ đồng tình. Đám cưới tổ chức tại nhà văn hóa thôn, chỉ có bánh kẹo, trà nước mà vẫn đầm ấm, đông vui nhờ sự hỗ trợ của đoàn thể và bà con xóm giềng. Về sau, mọi người vẫn nhắc đây là đám cưới đáng nhớ”.
Một lễ cưới ấn tượng khác ở xã Đại Thắng là của gia đình ông Phạm Văn Khoát (thôn Tạ Xá) tổ chức. Cũng với phương châm “nhẹ nhàng, tiết kiệm”, gia đình ông Khoát tổ chức lễ thành hôn cho con tại nhà văn hóa thôn trong một ngày với bánh kẹo, trà nước và vài mâm cỗ để mời gia đình họ mạc…
Tổ chức cưới với hình thức tiệc ngọt, tiệc trà là điểm nhấn trong phong trào tổ chức việc cưới theo nếp sống mới – vốn đã có những chuyển động tích cực, đặc biệt là từ khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11/CT-TU, ngày 3-10-2012, với nội dung, yêu cầu tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thủ đô. Thống kê cho thấy, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành ủy Hà Nội, khoảng 90% trong số đám cưới được tổ chức với hình thức văn minh. Các quận, huyện, thị xã như Sơn Tây, Ứng Hòa, Hà Đông… duy trì tốt mô hình cưới “gọn nhẹ” so với trước, mời không quá 300 khách; Ba Đình, Hoàng Mai, Đan Phương tổ chức thành công nhiều đám cưới tập thể theo tiêu chí tiết kiệm, văn minh, gần đây nhất là đám cưới tập thể do Đoàn thanh niên quận Ba Đình tổ chức cho 36 cặp uyên ương…
Tuy nhiên, trong bức tranh sáng sủa về việc cưới nói trên, điều đáng tiếc là điểm nhấn đáng quan tâm, cần được nhân rộng nhất – mô hình tổ chức cưới với tiệc ngọt, tiệc trà lại khá mờ nhạt. Qua khảo sát tại một số địa phương, số đám cưới theo hình thức tiệc ngọt, tiệc trà chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi thừa nhận: Những đám cưới được tổ chức với hình thức tiệc ngọt, tiệc trà, cưới tập thể đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng chưa được quan tâm duy trì và nhân rộng.
Cần sự khuyến khích thiết thực
Muốn nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động tổ chức cưới theo hình thức tiệc ngọt, tiệc trà thì phải tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế.
Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Vì, tâm lý “trả nợ” vẫn còn tồn tại phổ biến trong cộng đồng nên dù muốn tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà cho nhẹ nhàng, tiết kiệm, nhiều gia đình vẫn lấn cấn chuyện “lời ra tiếng vào”, lo “mất mặt” với xóm làng. Thực tế có không ít bạn trẻ, dù mong muốn được tổ chức tiệc ngọt cho đầm ấm, giản dị, nhưng gia đình không chấp thuận.
Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán nêu một nguyên nhân khác: “Đám cưới tổ chức vào ngày thường, chỉ có thể tranh thủ mời khách vào giờ nghỉ trưa hoặc tối. Đến bữa ăn mà chỉ làm tiệc ngọt, tiệc trà thì chả nhẽ khách đến chung vui chỉ ăn bánh kẹo, uống trà. Khó nhân rộng là vì thế”…
Nguyên nhân có nhiều, khó khăn hiển hiện nhưng việc nhân rộng mô hình tổ chức cưới bằng tiệc trà, tiệc ngọt vẫn là mục tiêu cần được hiện thực hóa. Vấn đề là tìm ra giải pháp khả thi, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp. Một trong những giải pháp cần được phổ biến rộng rãi là áp dụng cơ chế khuyến khích thiết thực, bởi như ông Nguyễn Khắc Lợi nhận xét: “Ngoài những hạn chế do quan niệm, thói quen… của người dân, mô hình tổ chức lễ cưới bằng tiệc ngọt, tiệc trà chưa được nhân rộng còn do chúng ta thiếu cơ chế tài chính phù hợp nhằm động viên, khuyến khích phong trào”.
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Xuyên cho biết: Để có những buổi tiệc cưới văn minh như đã thấy ở xã Đại Thắng thì ngoài sự hưởng ứng của người dân, huyện đã triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích như tặng 1,5 triệu đồng/đám cưới được tổ chức theo mô hình tiệc ngọt, tiệc trà; ủng hộ chi phí sử dụng điện nước, hội trường cưới…
Tại các địa phương, để nhân rộng mô hình cưới văn minh, tiết kiệm nói chung và hình thức tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong việc cưới nói riêng, cần có sự chủ động phối hợp giữa chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động, đặc biệt là hướng vào giới trẻ.
Bí thư Đoàn thanh niên quận Ba Đình Nguyễn Ngọc Thắng cho rằng: Người trẻ ngày càng suy nghĩ văn minh hơn về việc tổ chức cưới, mong muốn lưu giữ kỷ niệm đẹp với người thân, bạn bè chứ không phải tất tả lo cỗ bàn, tiếp khách. Tuy nhiên, không phải ai cũng vận động được bố mẹ, gia đình. Những lúc này, lực lượng thanh niên cần có tiếng nói hỗ trợ từ các tổ chức đoàn thể như Hội Người cao tuổi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ… thì mới mong đạt hiệu quả.
Sau gần 5 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội”, toàn thành phố có 209.337/224.880 đám cưới được tổ chức phù hợp nếp sống văn hóa (90%) trong đó có 52.985 đám cưới tổ chức theo mô hình cưới văn minh, tiết kiệm, tập trung tại các quận, huyện như Hoàng Mai, Ba Đình, Long Biên, Đan Phượng… Vẫn còn 6.033 đám cưới tổ chức phô trương, lãng phí…
Theo Hà Nội Mới