Chương trình do Viện Goethe tại Hà Nội thực hiện với mong muốn công chúng ở Hà Nội nói riêng và toàn thế giới nói chung chia sẻ về chủ đề hậu Covid -19.
Đây là một trong những hoạt động trong dự án Danachgedanken – Những suy tư sau này (một dự án tập hợp các chia sẻ của giới trí thức và nghệ sĩ trên toàn thế giới về đại dịch Covid-19). Trong khuôn khổ dự án này, viện Goethe có các hoạt động Hội thảo và hợp tác với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức Đêm kịch và đối thoại mở.
Khi virus Corona xuất hiện và bùng nổ thành đại dịch toàn cầu chỉ trong chớp mắt, con người bỗng dừng lại giữa dòng chảy cuộc sống vội vã, mở mắt nhìn quanh và nhận ra đời sống xã hội của chúng ta được kết mạng toàn cầu ra sao, đồng thời cũng mong manh nhường nào.
Như nữ nhà văn Petra Hůlová (Praha, CH Séc) viết: “Những gì đang xảy ra với tất cả chúng ta sẽ mở rộng biên giới trí tưởng tượng của chúng ta. Chúng ta vẫn luôn được nghe kể rằng mình sống trong một hệ thống bất khả biến và cũng không có lựa chọn khác. Giờ thì ta thấy cuộc sống xã hội trong vòng vài ngày đã có thể bị biến đổi tận gốc ra sao. Nhận thức này tự nó rất quý báu.”
Trong vai các cá nhân đến từ nhiều nền văn hoá khác nhau và đang trực tiếp đối mặt với những xáo trộn từ đại dịch covid, các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam không mô tả nỗi sợ hãi của con người trước dịch bệnh, mà truyền tải nhận thức sâu sắc của con người với những giá trị biểu tượng của tình trạng hiện tại đối với xã hội họ đang sống, về hệ quả dài hạn của cuộc khủng hoảng tác động lên toàn cộng đồng và trên tất cả là về niềm hi vọng họ tìm thấy hoặc tạo ra giữa khủng hoảng, cũng như cách ứng phó của mỗi cá nhân trước những biến đổi lớn lao đó.
Sau phần biểu diễn, khán giả sẽ cùng tham gia vào cuộc trò chuyện cởi mở để chia sẻ các góc nhìn cá nhân xoay quanh chủ đề trên.
Sự kiện được diễn ra tạo Viện Goethe, 58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội vào lúc 20h ngày 15/6.
Ngọc Anh
Theo MaskOnline