Di sản

Đền Bạch Mã: Giá trị đặc biệt của một trong tứ trấn Thăng Long

Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm Ngày giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 – 10/10/2020), sáng 2/10/2020, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức Tọa đàm Khoa học “Giá trị di sản văn hóa Đền Bạch Mã”.

Tọa đàm nhằm làm rõ hơn lịch sử và giá trị nổi bật về di tích và di sản văn hóa đền Bạch Mã, một ngôi đền cổ vô cùng quan trọng gắn với quá trình xây dựng kinh đô Thăng Long và công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước của cha ông ta; đồng thời đánh giá các kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích đền Bạch Mã. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp tiếp theo trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích để phục vụ cho công tác nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và trở thành điểm đến du lịch đặc thù đối với du khách trong và ngoài nước.

Toàn cảnh buổi Hội thảo.

Giáo sư Đinh Khắc Thuân, Viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết, tài liệu lịch sử ghi chép lại cho thấy, đền Bạch Mã được khởi dựng dưới thời nhà Đường khi Cao Biền xây La thành vào năm 866. Sau đó khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010 nên được xây dựng lại. Đền Bạch Mã thuộc Đông trấn. Trong quá trình tồn tại, ngôi đền đã được sửa chữa nhiều lần phản ánh khá rõ qua tư liệu văn bia và hoành phi câu đối tại đền.
Dáng dấp kiến trúc đền Bạch Mã hiện nay là dấu ấn đặc trưng của phong cách kiến trúc thế kỷ 19 thời Nguyễn. Đền được xây theo hình chữ Tam, bên ngoài là phương đình 8 mái. Điểm đặc sắc của công trình kiến trúc này chính là hệ thống mái hình vỏ cua (hình mai con cua) liên kết giữa các hạng mục kiến trúc. Điều này tạo sự khép kín, liên hoàn, tăng thêm không gian cho di tích, tạo điểm nhấn khác biệt, hiếm thấy của di tích so với nhiều di tích vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đền hiện còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17, có lẽ được bổ sung trong việc tu bổ và năm chính hòa thứ 8 (1687).
Ngôi đền còn lưu giữ được 18 bia đá cổ ghi lại việc sửa đền, 17 đạo sắc phong do triều đình nhà Nguyễn ban tặng, cùng nhiều đồ thờ tự quý khác.
Nhiều tài liệu Hán Nôm của đền cũng được sao chép lưu giữ tại kho sách cổ Hán Nôm của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp sưu tập trước đây. Đó là tục lệ 3 giáp phường Hà Khẩu phụng sự thần đền Bạch Mã, cùng nhiều bài văn tế các tuần viết trong năm, câu đối, sắc Phong và khảo cứu về lịch sử đền Bạch Mã
Việc đền Bạch Mã trở thành một trong Thăng Long Tứ trấn cũng chỉ xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng trở đi, sau khi cải cách hành chính có tên gọi là Kinh Bắc Sơn Tây, Sơn Nam và Hải Đông chỉ bốn Thừa tuyên quan trọng ở bốn phía của kinh thành Thăng Long.
Đền Bạch Mã là ngôi đền sớm nhất mà thần chủ được thờ ở đây trở thành Đông Thành hoàng. Chính vì vậy ngài được phong mỹ tự là Quốc đô định banh Thành Hoàng Đại Vương nghĩa là thành hoàng của kinh thành Thăng Long đứng đầu đất nước.

Tọa đàm nhằm làm rõ hơn lịch sử và giá trị nổi bật về di tích và di sản văn hóa đền Bạch Mã.

Phó giáo sư tiến sĩ Trần Thị An Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đền Bạch Mã như ta thấy hiện nay là một ngôi đền tọa lạc trong khu phố cổ Hà Nội, nơi thu hút sự tham gia thực hành tín ngưỡng của nhiều đối tượng người dân như thương nhân công chức du khách, nơi có sự hiện diện của nhiều pho tượng minh chứng cho biết bao biến đổi các vị thần chủ, nơi chồng lấn lên nhau biết bao truyền thuyết về sự tích các vị thần của di tích này, nơi chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử và biến đổi văn hóa khiến ngôi đền này mở rộng quy mô từ thành Hoàng làng đến thành hoàng đô phủ và thành hoàng quốc đô theo với đà phát triển của thủ đô Hà Nội trong thời gian. Tất cả những thay đổi chính trị, xã hội từ bên ngoài tác động vào và những biến đổi văn hóa từ bên trong diễn ra làm nên diện mạo đa diện, chứa đựng khá nhiều bí ẩn của tín ngưỡng ở ngôi đền này.
Cũng theo PGS.TS Trần Thị An, theo dòng lịch sử, người dân Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng tạo nên cho mình một không gian thiêng độc đáo chứa đựng nhiều lớp đắp bồi của lịch sử và nhiều trầm tích văn hóa được lưu giữ tại đền Bạch Mã trong niềm tin tưởng của mình vào linh khí núi sông. Người dân đã sáng tạo nên các truyền thuyết kiến tạo nên các không gian thiêng, trong đó các vị thần chủ được ngưỡng vọng và thờ cúng.
PGS. TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, để đánh giá giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã cần phải dựa vào lịch sử ra đời của đền năm 866, ý thức độc lập tự chủ của người Việt Nam, nước mất nhưng văn hóa không mất, từ đó dẫn tới việc xây dựng đền Bạch Mã. Lịch sử ra đời và tồn tại của đền hơn 1 thiên niên kỷ đáng trân trọng.
Các ý kiến tham vấn của các nhà khoa học tại tọa đàm đã chỉ ra rằng, đền Bạch Mã xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Tuy nhiên, việc xây dựng hồ sơ cần có những bước đi cần thiết để đánh giá chính xác và khách quan giá trị đặc biệt của một trong tứ trấn Thăng Long.

Thanh Hoà

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *