Di sản – Bảo tồn

Di sản kéo co: Bảo tồn theo hướng gắn kết cộng đồng 

Nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đa quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Theo ghi nhận của Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống không riêng […]

Nghi lễ và trò chơi kéo co là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đa quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Theo ghi nhận của Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trò chơi và nghi lễ kéo co truyền thống không riêng có ở Việt Nam mà mang tính liên quốc gia gồm Campuchia, Philippines, Hàn Quốc. Sở dĩ trò chơi kéo co được ưu tiên bởi đó là sự ghi nhận cũng như đánh giá cao việc các quốc gia nói trên cùng liên kết để xây dựng hồ sơ di sản.

Nghi lễ và trò chơi kéo co không chỉ là trò chơi dân gian truyền thống của Việt Nam, mà còn là di sản văn hóa truyền thống của một số nước khác như: Hàn Quốc, Campuchia, Phillippines… Vì vậy, năm 2013, Tổng cục Di sản Văn hóa Hàn Quốc đã có lời mời Việt Nam và một số nước khác cùng tham dự xây dựng Hồ sơ di sản đa quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co”.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt việc thực hiện, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hồ sơ đề cử “Nghi lễ và trò chơi kéo co truyền thống” trình lên UNESCO công nhận danh hiệu Di sản phi vật thể của nhân loại. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp các nước để làm một hồ sơ di sản theo hình thức đa quốc gia.

Kéo co được thực hành khắp các vùng cư dân trồng lúa, tập trung nhiều ở khu vực Đông và Đông Nam Á. Ở mỗi quốc gia, trò chơi này lại có nhiều cách tổ chức khác nhau, phản ánh những đặc điểm riêng về bối cảnh sinh hoạt, lịch sử, văn hóa khác nhau.

Cũng như rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác, kéo co ở Việt Nam được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cộng đồng, là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tập quán của cộng đồng. Kéo co thể hiện mong ước của cư dân nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống yên vui.

1

Kéo co là trò chơi lâu đời truyền thống có mặt ở hầu hết các vùng, miền ở Việt Nam. Kéo co rất phổ biến tại các lễ hội và xuất hiện trên nhiều tư liệu lịch sử, tư liệu cổ…

Trong các lễ hội cổ truyền, trò chơi kéo co thường có trong phần hội, thể hiện tinh thần tập thể, tính kỷ luật, sức mạnh đoàn kết của cả cộng đồng, ý chí vươn lên giành chiến thắng, rèn luyện thể chất, sức mạnh dẻo dai, sự khôn khéo và sức chịu đựng của con người, giúp con người phát triển toàn diện về trí, đức, tài, nghệ.

Nghi thức kéo co mỗi vùng một cách. Riêng Hà Nội, có trò kéo co ngồi diễn ra nhân dịp hội đền Trấn Vũ ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

2

Thực hành nghi lễ kéo co ngồi ở Hội đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.

Kéo co có cách thức tổ chức, đạo cụ và sân chơi đơn giản. Một cuộc thi kéo co có 2 đội, số lượng người đều nhau. 2 đội sẽ nắm vào một sợi dây thừng, ở điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dây lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo điểm đánh dấu sang phía mình là đội đó thắng cuộc. Mỗi cuộc thi đấu gồm 3 hiệp, đội nào thắng liên tiếp 2 hiệp thì đội đó giành phần thắng, không cần thi đấu hiệp thứ 3. Mỗi hiệp thường không kéo dài quá 2 phút, nên đòi hỏi các thành viên của các đội chơi phải rất nỗ lực.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho thấy, ý nghĩa của trò diễn nghi lễ kéo co mang tính tâm linh, thể hiện mong muốn của cộng đồng là đội nào thắng sẽ mang lại điều may mắn cho làng xóm, tức là thông điệp của họ đã đến với đức Thánh và đức Thánh đã nhận được và ban cho họ những điều tốt lành.

Ở một vài địa phương, kéo co không đơn giản chỉ là trò chơi mà còn là trò diễn dân gian. Trò diễn phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, nhân sinh quan và thế giới quan của cư dân trồng lúa nước về ước vọng cầu mùa.

Thành công của việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia và được UNESCO vinh danh của 4 nước lần này không chỉ góp phần tôn vinh nét văn hoá truyền thống của mỗi dân tộc mà qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực. Đồng thời là cơ hội cho các địa phương tại Việt Nam nói riêng quảng bá di sản kéo co truyền thống, nhân lên niềm đam mê, yêu thích trò chơi dân gian, tạo nên sự gắn kết cộng đồng, xây dựng, vun đắp bản sắc văn hiến quê hương, đất nước.

Sau vinh danh, việc thực hiện những cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là một việc cần được quan tâm.

Chia sẻ quan điểm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ: Di sản chỉ thực sự có giá trị khi có ích cho con người. Lâu nay chúng ta vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò của cộng đồng trong bảo vệ di sản. Có thể nói, trong chừng mực nào đó, vai trò của cộng đồng chưa được xem trọng với tư cách là chủ thể văn hóa. Chúng ta vẫn thiên về bảo vệ di sản văn hóa nhưng quên mục tiêu bảo vệ di sản văn hóa là nhằm phục vụ phát triển cộng đồng và phát triển con người.

Di sản văn hóa phải mang lại lợi ích cả về văn hóa lẫn kinh tế cho những chủ thể sáng tạo văn hóa – những người đang sống bên cạnh di tích và luôn làm nhiện vụ bảo vệ di tích.

Trong nhiều trường hợp, người ta muốn hy sinh việc bảo tồn di sản cho phát triển và đã gây ra nhiều tác động tới di sản văn hóa. Cho nên chúng ta cần phải quan tâm, gắn việc bảo tồn di sản với việc đáp ứng nhu cầu của cộng đồng để họ được hưởng lợi ích tinh thần và vật chất từ việc tham gia bảo tồn di sản văn hóa. Cái gì mang lợi ích cho cộng đồng thì sẽ được trân trọng và yêu mến.

Minh Đạt (T/hợp)

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *