Lễ hội 5 làng Mọc tổ chức hàng năm. 5 năm tổ chức đại đám 1 lần nhằm rước các Thánh du xuân và thưởng lãm cảnh quan năm làng và cầu cho quốc thái dân an… Địa điểm diễn ra lễ hội năm làng Mọc được tổ chức ở đình các thôn Mọc. Đó là các đình Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Chính, Giáp Nhất…
Việc Lễ hội 5 làng Mọc được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân 2 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và hai phường Nhân Chính, Trung Văn.
Kẻ Mọc xưa kia gồm 5 làng: Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc và Phùng Khoang, nay thuộc 2 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Kẻ Mọc vốn nằm bên bờ sông Tô Lịch, ở phía Tây Nam của thủ đô Hà Nội.
Lễ hội 5 làng Mọc là một lễ hội lớn của vùng xứ Đoài xưa, thể hiện tục kết chạ giữa các làng Mọc, được Nhân dân 5 làng nắm giữ, thực hành, trao truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Lễ hội kéo dài cả tháng, nay chỉ gói gọn trong 6 ngày, tại Đình Quan Nhân, do phường Nhân Chính đảm nhiệm là chủ yếu.
Lễ hội 5 làng Mọc
Lễ hội 5 làng Mọc tổ chức hàng năm. 5 năm tổ chức đại đám 1 lần nhằm rước các Thánh du xuân và thưởng lãm cảnh quan năm làng và cầu cho quốc thái dân an… Địa điểm diễn ra lễ hội năm làng Mọc được tổ chức ở đình các thôn Mọc. Đó là các đình Phùng Khoang, Quan Nhân, Cự Chính, Giáp Nhất. Đình Quan Nhân được gắn với truyền thuyết Hùng Lãng, người Châu Ái (Thanh Hoá). Ông kết hôn với Trương Mỵ Nương, người Quan Nhân. Các triều đại phong kiến đã nhiều lần gia phong Hùng Lãng công là “Trung nghĩa đại vương ” và vợ ông được sắc phong là “Dục đức đề mỵ Quan Nhân vương Công chúa “.
Hội 5 làng Mọc có nhiều nghi lễ như: Lễ mở cửa đình, lễ rước nước và lễ mộc dục, lễ y phong (mặc áo Thánh), tế lễ, rước kiệu. Rước kiệu Thánh vào ngày 11 tháng Hai âm lịch. Ngày 12 tháng Hai chính hội Đám rước của 5 làng vào 2 ngày rất long trọng, gồm nghi trượng, trống bản, rồng, sư tử, Kiệu Thánh, kiệu Long đình, kiệu hoa, đội tế … Trình tự đoàn rước được sắp đặt nghiêm ngặt, đi đầu là 5 lá cờ ngũ hành, tiếp đến là đội múa cờ, múa rồng, rồi trống, chiêng, giữa đội trống, đội chiêng là người chấp hiệu tay cầm chịch để đánh, theo nhịp cứ một tiếng trống lại một tiếng chiêng, đội sư tử, ngựa hồng, ngựa bạch, voi, đội múa bồng, hương án, long đình, đội cờ, đội Lộ bộ, phường bát âm, kiệu thánh, kiệu bát cống, kiệu hoa…Đoàn rước của 5 làng nối tiếp nhau dài trên một cây số, cứ đi một bước, đoàn rước lại nghỉ một bước, đi qua làng nào, làng đó ra đón mừng rồi nhập cuộc. Đứng từ xa nhìn lại ta thấy đoàn rước trông như một con rồng khổng lồ, nhiều màu sắc rực rỡ. Người quan sát không nhìn thấy rõ đâu là đầu rồng, đâu là đuôi rồng, chỉ thấy nào cờ, quạt vả, tàn vàng, nào hương án, long đình, voi nan, ngựa gỗ, trống. Nào đội múa rồng, múa sư tử, nào ông thổ, ông địa v.v.
Nét tiêu biểu của phần hội trong lễ hội 5 làng Mọc là múa rồng, nhất thiết phải có múa rồng – thể hiện lòng biết ơn với người con kẻ Mọc đã sáng tạo ra con vật này để giúp quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh. Ngoài ra, còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ người, đi cầu treo, bắt vịt dưới ao, rồi trò đập niêu, đánh đáo đĩa, bịt mắt bắt dê, chọi gà, đánh đu, tổ tôm điếm, đấu vật, buổi tối thường có đốt pháo bông, hát chèo. Nay phần hội đơn giản hơn, ngoài múa rồng còn có một số trò chơi, chương trình văn nghệ, hát chèo, thể thao…Tuy nhiên, mấy năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 lễ hội 5 làng Mọc tổ chức rất gọn nhẹ, đơn giản, chỉ tế lễ, không rước xách và không tổ chức phần hội, thực hiện nghiêm 5K. Tế lễ trong lễ hội 5 làng Mọc xưa kia bắt buộc phải có thịt lợn hoặc thịt bò (nguyên con). Nay các lễ vật dâng Thánh đơn giản hơn nhiều.
Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, lễ hội 5 làng Mọc đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 16/4/2022, UBND quận Thanh Xuân phối hợp UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức, Lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội 5 làng Mọc” tại đình làng Mọc Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Đại diện lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Di sản Việt Nam; phòng Quản lý Di sản – Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Quận ủy HĐND, UBND quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, phường Nhân Chính, phường Trung Văn cùng đông đảo Nhân dân hai quận đã đến dự.
Đại diện hai quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội 5 làng Mọc”
Rước bằng công nhận Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia vào đình
Phát biểu tại buổi lễ đón Bằng công nhận Di sản Quốc gia, ông Đặng Khánh Hòa – Quận ủy viên, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định: Việc Lễ hội 5 làng Mọc được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý nghĩa quan trọng, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân hai quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và hai phường Nhân Chính, Trung Văn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa, góp phần tạo thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của vùng “Kẻ Mọc”. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm đối với hai quận, hai phường và các Tiểu ban quản lý di tích trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Thanh Quy