Lễ hội

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia – Lễ hội Cổ Loa

An Dương Vương sau khi lên ngôi Vua đã chuyển kinh đô từ Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ) về Cổ Loa và đổi tên nước là Âu Lạc. Ông cho xây thành, đắp lũy chống giặc, bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, là nơi thờ đức vua An Dương Vương và những người có công với dân, với nước. Quần thể di tích gồm đền, đình, am, điếm, trung tâm là đền Thượng thờ vua An Dương Vương.
An Dương Vương sau khi được Tản Viên Sơn Thánh nhường ngôi đã chuyển kinh đô từ Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ) về Cổ Loa và đổi tên nước là Âu Lạc. Ông cho xây thành, đắp lũy chống giặc, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tương truyền ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày Thục Phán An Dương Vương nhập cung, ngày mùng 9 tháng Giêng vua đăng quang và cho khao toàn bộ binh sĩ. Để ghi nhớ công đức của Đức vua, dân làng Cổ Loa và các làng khác trong vùng đã lấy ngày Mùng 6 tháng Giêng làm ngày tổ chức lễ hội. Lễ hội Cổ Loa có sự tham gia của Nhân dân 8 xã, gọi là bát xã hộ nhi, hay bát xã Loa Thành cùng thờ An Dương Vương. Nay là 8 làng gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu, thuộc 3 xã: Cổ Loa, Uy Nỗ, Xuân Canh. Trong đó giữ vai trò chính là cộng đồng làng Cổ Loa (nay là xã Cổ Loa, với 12 thôn) và có sự tham gia của anh Cả Quậy (nay là làng Hà Vỹ, xã Liên Hà, cùng huyện Đông Anh), vốn dân bản địa Loa Thành xưa kia đã dời đi để vua xây thành. Tương truyền sau khi đăng quang, vua An Dương Vương đã cho làng Quậy vào yết kiến đầu tiên nên sau này, mỗi khi mở hội anh Cả Quậy sẽ dẫn đầu đoàn lễ vào bái tế vua An Dương Vương.

Với người dân Bát xã, lễ hội Cổ Loa là ngày hội thiêng liêng. Lễ hội Cổ Loa xưa kia tổ chức từ mùng 6 đến 28 tháng Giêng. Nếu là năm mưa thuận gió hòa, lễ hội rất lớn và kéo dài sang tận tháng sau. Nay, lễ hội Cổ Loa được tổ chức trong 2 ngày (mùng 5 và 6 tháng Giêng). Mùng 6 là chính hội, từ ngày mùng 7 trở đi, các làng tự tổ chức lễ hội tại làng mình, cho đến hết ngày 18 tháng Giêng. Lễ hội có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước của Thành phố, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa, chính quyền các cấp, cộng đồng cư dân ở các làng, xóm trong vùng.
Lịch trình lễ hội Cổ Loa hàng năm được tổ chức như sau: Trước ngày tổ chức lễ hội, người ta tổ chức họp hội đồng Bát xã, bầu Quan đám và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thôn, từng thành viên để chuẩn bị các công việc của lễ hội và thực hiện nghi lễ bao sái… Ngày mùng 6 tháng Giêng chính hội, đoàn làng Quậy đến dự lễ hội và được làm lễ đọc Mật khẩn ở chiếu trên, các làng khác phải ra đón. Từ sớm tinh mơ, trong tiếng chiêng, trống, sáo nhị, cờ quạt rực rỡ, các xã rước kiệu của xã mình về làng Cổ Loa theo hai phía đông, tây. Sau 7h sáng, theo trống lệnh, 2 đoàn rước ở 2 phía đông, tây cùng tiến vào đền Thượng, đến đầu hồ phía tây thì hai đoàn nhập vào làm một, theo thứ tự: Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thư Cưu. Đoàn rước tiến vào sân Rồng Thượng theo thứ tự rồi hạ kiệu. Sau tiếng trống lệnh, anh Cả Quậy vào tiến lễ trước, Bát xã Loa thành lần lượt dâng lễ vào cung vua sau. Tiếp theo là buổi tế Hội đồng diễn ra hơn hai tiếng, qua 67 lần xướng. Đây là nghi thức quan trọng nhất trong phần lễ của lễ hội Cổ Loa, do các cụ ông thực hiện nhằm mục đích đón rước và thỉnh mời Vua và các nhân vật được thờ – lúc này được phong là Thần về dự hưởng lễ vật, đồng thời là dịp để dân làng chúc tụng, mong được các Ngài phù hộ cho quốc thái dân an. Khi đó, ở trước hương án sẽ bày các loại vũ khí như cung, tên, kiếm, nỏ… Cuộc tế được thực hiện trên nền nhạc phường bát âm. Sau buổi tế Hội đồng là nghi thức rước kiệu Bát xã. Xuất phát từ đền Thượng, kiệu làng Cổ Loa dẫn đầu, sau đó lần lượt đến kiệu rước của các làng. Sau mỗi kiệu rước có 4 trai đinh cầm cờ đại, vừa đi vừa múa. Đoàn rước từ sân Rồng Thượng xuống sân Rồng Hạ, ra cửa đền, rẽ sang phải đi về phía tây, vòng xuống phía nam, quanh hồ giếng Ngọc (Ngọc Tỉnh) sang bên phía đông, đến ngã tư thì đoàn rước của làng Cổ Loa rước thẳng vào đình Ngự Triều Di Quy và ngự ở đó. Các làng còn lại trong Bát xã rước kiệu về làng mình và tổ chức lễ hội riêng.


Rước kiệu trong lễ hội

Trong lễ hội Cổ Loa, ngoài phần lễ thì phần hội cũng vô cùng hấp dẫn, với những trò chơi hấp dẫn như: Bắn nỏ, đu tiên, đấu vật, cờ người, hát tuồng, múa rối nước…Trong đó trò chơi bắn nỏ được xem là điểm nhấn của phần hội. Bởi nỏ là vũ khí gắn với sự tích thành Cổ Loa và chiếc “nỏ thần”.


Đấu vật trong lễ hội Cổ Loa


Bắn nỏ trong lễ hội Cổ Loa

Lễ hội Cổ Loa nhằm giáo dục cho Nhân dân truyền thống uống nước nhớ nguồn, thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu hảo của Nhân dân; đồng thời là nơi bảo tồn những hoạt động văn hóa cổ xưa. Với những giá trị to lớn của một lễ hội truyền thống được lưu giữ hàng ngàn năm qua, ngày 03/2/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã ra Quyết định số 603/QĐ-BVHTTDL công nhận lễ hội Cổ Loa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2023, sau mấy năm tạm dừng tổ chức do dịch bệnh Covid-19, lễ hội Cổ Loa sẽ được tổ chức lại, do UBND huyện Đông Anh đứng ra tổ chức. Hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội đang được Bát xã Loa thành và huyện Đông Anh tiến hành nhằm tổ chức lễ hội một cách an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh.

Quỳnh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *