Tối 23/8, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An, phường Phú Thượng (từ ngày 23 đến 25/8/1945).
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy – Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đại biểu Trung ương dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải; Thứ trưởng Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương.
Đại biểu thành phố Hà Nội dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành Thành phố, quận Tây Hồ và đông đảo tầng lớp Nhân dân.
Trước khi diễn ra buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Thành phố và quận Tây Hồ đã tới di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An, phường Phú Thượng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Phú Gia và Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là một trong những cơ sở cách mạng đặc biệt quan trọng. Nơi đây từng nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng, Bạch Thành Phong… Cũng tại nơi đây, Trung ương Đảng đã tin tưởng đặt cơ sở in Báo Cờ giải phóng, Trạm liên lạc với các cơ sở của xứ ủy, tỉnh ủy trong cả nước. Bến đò Xù (Phú Xá) cũng là đầu mối giao thông quan trọng nối liền hai vùng Bắc, Nam sông Hồng trong An toàn khu của Trung ương Đảng. Hàng trăm người dân địa phương đã luôn sẵn sàng, hăng hái tình nguyện tham gia chở đò và bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cho nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng trong quá trình di chuyển để hoạt động cách mạng qua khu vực sông Hồng. Không những vậy, Phú Gia và Phú Xá cũng là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, nhất là sau ngày Nhật đảo chính Pháp, địa phương đã nhiều lần tổ chức mít tinh quần chúng ở bãi giữa sông Hồng.
Chiều ngày 23/8/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội qua Bến đò Xù, Người đã đến gia đình cụ Nguyễn Thị An tại làng Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) để dừng chân nghỉ ngơi và làm việc đến ngày 25/8/1945. Đây cũng chính là nơi Người đã trực tiếp làm việc với đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đảng cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh về kết quả của cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước, để tiến tới việc chuẩn bị soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đến năm 1946, gia đình của cụ An và người dân làng Phú Gia, Phú Xá một lần nữa được vinh dự đón Người quay trở lại thăm. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với cán bộ xã Phú Thượng và cán bộ quận Lãng Bạc để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp lâu dài. Từ đó đến nay, ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên những kỷ niệm quý báu, những di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh vô giá liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với những sự kiện lịch sử quan trọng đó, ngày 03/12/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng di tích nhà cụ Nguyễn Thị An là Di tích quốc gia.
Tại lễ đón nhận, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh: Việc được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia của nhà cụ Nguyễn Thị An vừa là niềm tự hào, vừa là trách nhiệm và là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Tây Hồ nói chung, phường Phú Thượng nói riêng trong việc thường xuyên quan tâm tu bổ, tôn tạo các địa danh lịch sử cách mạng trên địa bàn nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho mọi người dân Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Tây Hồ tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa lịch sử của các di tích cách mạng, đưa những địa chỉ này thực sự trở thành di sản văn hóa tiêu biểu, được mọi người dân, nhất là các bạn trẻ chủ động tìm đến để tham quan, học tập, nghiên cứu; là nơi để tổ chức các hoạt động kỷ niệm, dâng hương, báo công của các tập thể, đơn vị, đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng quận Tây Hồ sớm trở thành trung tâm dịch vụ – du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Thay mặt gia đình cụ Nguyễn Thị An và dòng họ phát biểu tại buổi lễ, ông Công Ngọc Dũng bày tỏ niềm tự hào khi gia đình vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu cấp cao của Trung ương tại chính ngôi nhà của gia đình trong thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước. Ông Công Ngọc Dũng trân trọng cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng toàn thể bà con nhân dân phường Phú Thượng đã luôn quan tâm, tạo điều kiện, cùng với gia đình bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà, qua đó góp phần lan tỏa truyền thống yêu nước, niềm tự hào tới các tầng lớp Nhân dân.
Trọng Toàn
Ảnh: Quang Thái