Chùa Viên Minh tọa lạc tại phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chùa còn có tên gọi khác là chùa Hai Bà Trưng, nằm trong một quần thể di tích gồm: chùa Viên Minh, đền Hai Bà Trưng và đền Đồng Nhân. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa Viên Minh được xây dựng cùng với đền thờ Hai Bà Trưng vào năm 1819. Chùa đã được trùng tu vào các năm 1890, 1912, 1930, 1940, 1950, 1982. Chùa chính kiến trúc hình chữ Công, gồm tiền đường, nhà thiêu hương và tòa thượng điện. Các tượng thờ, pháp khí và các đồ thờ tự hầu hết mang phong cách thời Nguyễn. Tại ngôi chùa còn bảo lưu giữ được nhiều di vật là tiêu bản không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ.
Bên cạnh các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa còn là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của Đảng từ năm 1946 – 1954. Nhà thờ Tổ và tam bảo của chùa từng là nơi hội họp, cất giấu tài liệu cách mạng. Sư Tổ Thích Đàm Thu (thế danh là Nguyễn Thị Khói) là một người yêu nước đã có nhiều công lao trong việc nuôi giấu, giúp đỡ, bảo vệ an toàn cho các cán bộ cách mạng hoạt động tại chùa. Ông Đỗ Ngọc Du (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Năm 1953, tôi tham gia tổ điệp báo 256 thuộc Sở Công an Hà Nội. Nhiều cuộc họp được diễn ra ở nhà Tổ của chùa đề phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng. Sư cụ Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Viên Minh thường ở ngoài sân canh gác cho chúng tôi họp. Ông Trần Duy Hưng – Chủ tịch Ủy ban hành chính đầu tiên của Hà Nội, cũng đã từng hoạt động cách mạng bí mật ở chùa và đã được cụ nuôi giấu, bảo vệ an toàn. Đến ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lúc 5 giờ sáng, cụ mời tôi đến, ủng hộ một lá cờ nhỏ để đi đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô”.
Chùa Viên Minh là nơi thực hiện nghi lễ tín ngưỡng của làng Đồng Nhân, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá và là niềm tự hào của người dân địa phương. Chùa đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962. Chùa Viên Minh cũng đã được UBND thành phố Hà Nội gắn biển Di tích cách mạng kháng chiến.
Trải qua chiến tranh cùng những thăng trầm lịch sử, nhiều hạng mục trong di tích chùa Viên Minh đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đáng kể tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cảnh quan của cụm di tích. Xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong những năm qua, quận Hai Bà Trưng luôn quan tâm đầu tư, giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Năm 2017, quận Hai Bà Trưng đã hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho phép tu bổ, tôn tạo các hạng mục của chùa Viên Minh, nằm trong cụm di tích đình, đền, chùa Hai Bà Trưng. Dự án tu bổ, tôn tạo các hạng mục chính: Tam bảo, nhà Mẫu và gác chuông, các hạng mục nội thất và đúc chuông. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 21 tỷ đồng, tam bảo, nhà mẫu, gác chuông… cùng nhiều hạng mục nội thất quan trọng khác của di tích đã được tu bổ, phục dựng. Đến nay, các hạng mục công trình đã chính thức được hoàn thiện vào tháng 3/2018.
Cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng luôn giữ một vị thế quan trọng, nơi hội tụ những giá trị điển hình quý giá về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật trên địa bàn quận Hai Bà Trưng nói riêng và của Thủ đô nói chung. Nơi đây không chỉ là địa chỉ di tích lịch sử, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh mà còn là điểm đến du lịch của Hà Nôi ngàn năm văn hiến.
Minh Hà
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm