Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá Đình Hậu Ái, xã Vân Canh đã được Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức khởi công vào ngày 15/11/2024.
Đình Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức là nơi thờ Thành hoàng Đỗ Kính Tu – một công thần thời nhà Lý. Truyền rằng ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở thôn Nhân Ái (tức Hậu Ái ngày nay), là người thông minh hiếu học, ông đã đỗ khoa thi Thái học sinh thời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175). Ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, tước Phụ quốc, từng đi dẹp giặc làm loạn ở Đại Hoàng (Ninh Bình ngày nay), sau làm Phụ chính cho vua Lý Duệ Tông. Ông lúc nào cũng nêu cao khí tiết trung thần. Sau vì tuổi cao, ông xin về quê tổ chức đào mương Di Trạch để đưa nước chảy vào sông Nhuệ, giải thoát nạn úng lụt hàng năm. Cũng vì việc này mà bọn gian thần vu cho ông là làm hại long mạch để ám hại triều đình, ông không biện minh lòng thành của mình mà cưỡi ngựa bái quần thần rồi phóng xuống dòng nước. Khi ông mất, Vua tỉnh ngộ liền cho rước ông ông về quê mai táng. Thương tiếc và tưởng nhớ công lao của ông, Nhân dân đã lập đền ngay trên mảnh đất nhà ông để thờ phụng, tôn vinh là Thành hoàng. Năm 1914, đền được tu sửa thành đình Hậu Ái.
Đình Hậu Ái tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, phía trước đình là hồ nước, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Kiến trúc đình kiểu chữ Đinh, gồm cổng đình, sân đình, tòa đại đình và hậu cung. Cổng đình có hai cột hoa biểu cao; đỉnh cột mang hình lồng đèn, được đắp nổi tứ linh, hổ phù; phía dưới chân cột là bốn con chim phượng hoàng chụm đuôi lại. Hai bên sân đình là hai dãy tả vu, hữu vu đều có sáu gian, tường hồi bít đốc, các vì kèo làm kiểu quá giang trên cột gạch. Phía cuối sân là tòa đại đình gồm năm gian, hai mái. Trên đỉnh mái đắp đôi rồng chầu mặt trời. Năm hàng cột đỡ mái hiên của toà đại đình được gắn với nhau theo kết cấu “thượng rường hạ kẻ”. Các kiến trúc trong tòa đại đình được chạm tứ linh (long, ly, quy, phượng), hổ phù, hoa lá theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Sau đại đình là tòa hậu cung với kết cấu theo kiểu “thượng rường hạ bẩy” và được chạm trổ rồng, mây, hoa lá như ở đại đình.
Hậu cung được ngăn làm đôi bởi hệ thống cửa bức bàn sơn son, vẽ hình rồng, phượng, rùa, lân. Nửa phía trong hậu cung có khám thờ Đỗ Kính Tu với tượng, long ngai, bài vị. Nửa phía ngoài bầy bộ kiệu giá ngự, các đồ tự khí như bát bửu, cờ năm màu…
Đình làng Hậu Ái được xây dựng từ lâu đời, có bề dày lịch sử và còn lưu giữ nhiều di vật như: Long ngai, bài vị, bộ kiệu giá ngự, bát bửu, bát hương, đỉnh đồng, 6 bức hoành phi, 8 đôi câu đối…
Đình Hậu Ái được Bộ Văn hóa (Nay là Bộ VH-TT và du lịch) quyết định công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Theo thời gian, công trình đã có dấu hiệu xuống cấp và đã được tu bổ, tôn tạo giai đoạn 1. Theo Quyết định của UBND huyện Hoài Đức, năm 2024, đình Hậu Ái tiếp tục được tu bổ, tôn tạo giai đoạn 2 với tổng kinh phí là 13,594 tỷ đồng bằng nguồn vốn của Thành phố, huyện Hoài Đức và nguồn đóng góp xã hội hóa. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức là chủ đầu tư. Các hạng mục được đầu tư, tôn tạo gồm: Tả mạc, Hữu mạc, nhà thụ từ, nhà bếp, nhà kho, cổng am hoá vàng, sân, cột cờ.
Dự kiến, dự án tu bổ, tôn tạo đình Hậu Ái sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12/2025. Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân địa phương và trong vùng. Hơn thế nữa, công trình sẽ tạo thành một quần thể di tích, thắng cảnh góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch ở địa phương.
Hương Đỗ