Nằm ở số 1, phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Di tích Nhà tù Hỏa Lò là chứng tích về một thời kỳ đấu tranh cách mạng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của những người Việt Nam yêu nước từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nơi đây. Di tích Nhà tù Hỏa Lò đang nỗ lực giữ gìn những giá trị lịch sử của một thời khắc nghiệt, hào hùng và lan tỏa tình yêu đất nước, lòng biết ơn ngay tại Thủ đô Hà Nội.
Du khách tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò
Di tích Nhà tù Hoả Lò được người Pháp xây dựng vào năm 1896. Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện Nhà tù Hỏa Lò còn giữ lại và bảo tồn khoảng gần 2.500m2. Với những khối kiến trúc, di vật, hiện vật gốc, đài tưởng niệm và hệ thống trưng bày thường xuyên, di tích Nhà tù Hỏa Lò đã giới thiệu tới công chúng về lịch sử Nhà tù Hỏa Lò từ khi thực dân Pháp xây dựng đến khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (năm 1954); thời kỳ thực dân Pháp sử dụng Nhà tù Hỏa Lò để giam giữ các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam và giai đoạn 1964 – 1973, khi Chính phủ Việt Nam tạm sử dụng một phần Nhà tù Hỏa Lò để giam giữ tù binh phi công Mỹ. Ngày nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến lịch sử, văn hóa hấp dẫn, mang lại nhiều trải nghiệm chân thực, cảm xúc cho du khách và những người yêu thích lịch sử.
Thời gian qua, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò luôn quan tâm nâng cấp trải nghiệm tham quan của du khách tại hệ thống trưng bày thường xuyên bằng việc xây dựng những bài thuyết minh trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi; nội dung lịch sử được truyền tải đến du khách qua lời dẫn chuyện của thuyết minh viên, kết hợp với âm thanh sống động, phù hợp. Để tạo điểm nhấn, đơn vị cũng tích cực tìm tòi, đổi mới hình thức thể hiện, tăng cường trải nghiệm thực tế không gian trưng bày chuyên đề với nội dung, đề tài phong phú gắn liền với các sự kiện lịch sử hay các ngày lễ trọng đại của đất nước; xây dựng các hoạt động trải nghiệm thực tế và biểu diễn các hoạt cảnh tái hiện lại sự kiện lịch sử liên quan đến nội dung trưng bày…. nhằm giúp công chúng có cái nhìn chi tiết trong từng giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng của đất nước. Mỗi không gian, chủ đề trưng bày cùng nhiều hiện vật, tài liệu minh chứng tại Nhà tù Hoả Lò thực sự cuốn hút du khách, giúp du khách trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về lòng yêu nước, sự dũng cảm, ý chí kiên cường của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong lao tù thực dân, đế quốc.
Trưng bày chuyên đề thu hút sự quan tâm của công chúng
Ban Quản lý di tích Nhà tù Hoả Lò đã triển khai hệ thống thuyết minh tự động để phục vụ du khách. Với thiết bị này, du khách có thể tự trải nghiệm 35 câu chuyện lịch sử qua chính lời kể của những người tù chính trị về cuộc sống khó khăn trong chốn lao tù… Du khách cũng có thể tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò trên hai nền tảng Spotify và Apple Podcasts. Tại đây, 3 chương trình trưng bày trực tuyến mang tên “Thắp lửa yêu thương”, “Sắt – Son”, “Lời thề quyết tử” được truyền tải qua giọng đọc cảm xúc khiến khán, thính giả dễ dàng tiếp cận câu chuyện lịch sử hơn. Tận dụng sức hút, tầm ảnh hưởng của mạng xã hội Facebook, đội ngũ truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng trang Facebook “Di tích Nhà tù Hỏa Lò – Hoa Lo Prison Relic” với những bài viết hấp dẫn vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa gần gũi, đại chúng, mỗi bài viết trên trang Facebook đều thu hút lượng lớn người thích và bình luận.
Cùng với đó, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng xây dựng thêm nhiều chương trình tham quan với nội dung hấp dẫn. Đến nay, di tích Nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức được 3 tour Đêm thiêng liêng: Đêm thiêng liêng 1 – Sáng ngời tinh thần Việt, tái hiện những câu chuyện tiêu biểu về cuộc sống lao ngục tối tăm, khắc nghiệt, bị tra tấn, đàn áp dã man trong “địa ngũ trần gian”. Đó là những câu chuyện về tình yêu đôi lứa, tình mẫu tử thiêng liêng hay tình đồng chí gắn bó, keo sơn.
Đêm thiêng liêng 2 – Sống như những đóa hoa, là lời tri ân đối với công lao, đóng góp và sự hi sinh to lớn của các nữ chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (giai đoạn 1930 – 1954). Qua những câu chuyện, hình ảnh các bà, các mẹ, các chị hiện lên như những đóa hoa kiên cường trong bão táp.
Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân, với nhiều hoạt cảnh tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt của những chiến sĩ cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò. Tiêu biểu như hoạt cảnh về đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn đón nhận cái chết bởi máy chém trước cổng chính Nhà tù Hỏa Lò năm 1931; cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ; biến nhà tù thành trường học cách mạng; vượt ngục năm 1945… Các hoạt cảnh được dàn dựng chân thực, góp phần làm nổi bật hình tượng những người con ưu tú của dân tộc trong khó khăn, gian khổ vẫn giữ vững khí tiết kiên trung đến giây phút cuối cùng.
Hoạt cảnh cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ trong Đêm thiêng liêng 3 – Lửa thanh xuân
Tham gia trải nghiệm tour Đêm thiêng liêng, du khách được trải qua những cung bậc cảm xúc từ giật mình, xót xa trước sự khắc nghiệt của chế độ nhà tù thực dân đến khâm phục ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ mà tên tuổi của họ đã trở thành một phần lịch sử dân tộc. Để liên tục thay đổi cảm xúc và tạo ấn tượng cho khách tham quan, Ban Tổ chức xây dựng thêm nhiều hoạt cảnh, tăng thời gian và bố trí thêm không gian trải nghiệm: Du khách được nhập vai tù chính trị, trải nghiệm sự ngột ngạt, u tối trong các phòng giam, xà lim; trải nghiệm sự gian nan, nguy hiểm khi chui cống ngầm vượt ngục.
Đến di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách còn được thưởng thức “đặc sản” như trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, chè bàng, được làm từ nguyên liệu cây bàng “tình nghĩa” tại Nhà tù Hỏa Lò, minh chứng cho sức sống mãnh liệt, ý chí bất diệt của những chiến sĩ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò năm xưa, như để kể câu chuyện từ quá khứ, vừa gửi gắm món quà mà cha ông để lại cho thế hệ hôm nay.
Ngoài chương trình hoạt động tham quan ban ngày, tham quan buổi tối, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò sắp ra mắt chương trình hoạt cảnh ban ngày nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm thú vị, đặt trải nghiệm của du khách ở mức ưu tiên cao với những sản phẩm, dịch vụ chất lượng trên hành trình lan tỏa những giá trị lịch sử, đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng./.
Thảo Nhi