Di sản – Bảo tồn

Di tích Quốc gia đình Phù Sa và lễ hội truyền thống

Đình Phù Sa là ngôi đình cổ thuộc thôn Phù Sa, xã Viên Sơn, nay là phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây. Đình đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1996. Đình thờ Phò mã và Công chúa Phù Dung, con gái của vua Đinh Tiên Hoàng. Đình Phù Sa còn thờ vọng Đức Tản Viên Sơn Thánh.

Tương truyền, Phò mã có tên là Quán Sơn, sinh ngày 1 tháng 5 âm lịch. Ông là người vừa tài giỏi, anh hùng, văn võ song toàn, lại ngôi ngô tuấn tú. Ông có công giúp nước chống quân Tống xâm lược, phò trợ nhà Vua. Quán Sơn tên đầy đủ là Trương Quán Sơn, con của vị Đại thần nhà Đinh là Trương Ma Ni. Ông đã được vua Đinh chọn làm con rể. Ông còn được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Trấn thủ tứ thành. Khi đất nước thanh bình, Phò mã đã cùng Công chúa về đất Phù Sa, Sơn Tây chiêu dân lập ấp Phù Sa, dạy dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. 2  vị còn dạy dân lễ nghĩa, văn đức, dạy võ công để rèn luyện sức khỏe và giữ yên bờ cõi. Hai vợ chồng Phò mã còn cấp cho dân ruộng vườn cho dân cấy trồng, nên được dân vô cùng yêu quý. Khi Phò mã hóa (ngày 15 tháng 8 âm lịch), Công chúa vì buồn rầu cũng qua đời vào ngày 20 tháng 8. Mọi người trong vùng đã cử hành tang lễ và lập miếu phụng thờ. Vào ngày hội đình, dân làng sẽ rước bài vị hai Ngài về đình, gọi là lễ tế đăng (tế lớn). Dịp  ngày mất của Công chúa và Phò mã, dân làng tổ chức lễ tế thập bái (tế nhỏ). Thời nhà Lê, quan thượng thư bộ Lễ, quan Giám Chi Điện triều Lê Phụng sao Ngọc phả cổ truyền, Hoàng đế bệ hạ khâm phụng ban sắc chỉ thần hiệu; Sắc phong cho vị Đức Thánh ông là Đương cảnh Thành Hoàng “Quán Sơn linh ứng bảo quốc hộ dân thượng đẳng thần”;  Sắc phong cho vị Đức Thánh bà là Đương cảnh Thành Hoàng “Chinh Mỹ Thục Y Hồng Ân Ả Phương Dung Công Chúa”. Nhà Vua cũng cho phép Trang Phù Sa, huyện Phúc Lộc, quận Quảng Oai, trấn Sơn Tây đời đời phụng thờ.

Đình Phù Sa được đặt ở 1 vị trí đẹp, giữa làng. Đình thiết kế theo kiểu chữ môn, với 2 dãy nhà, đại bái, hậu cung và tả hữu vu. Đại bái gồm 3 gian 2 dĩ với các bộ vì kéo liên kết kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền, bảy hiên. Trang trí  ở đại bái tập trung vào câu đầu, với các họa tiết vân mây, hổ phù. Hậu cung gồm 3 gian 2 dĩ với 4 mái góc đao uốn cong….

Trải qua thăng trầm của thời gian, đình Phù Sa hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như: Bia đã, hoành phi, câu đối, nhiều đồ thờ tự; 11 sắc phong từ đời vua Lê Thần Tông đến đời vua Khải Định thứ 9… (1924). Đình luôn được chính quyền, Nhân dân địa phương chăm lo, bảo vệ. Khi lễ hội được tổ chức, các hoạt động Lễ hội luôn được chính quyền và Nhân dân tổ chức chu đáo, trang nghiêm, an toàn, tiết kiệm, thể hiện rõ lòng tri ân với tiền nhân và thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của địa phương.

Lễ tế các Thánh ở đình Phù Sa

Tại Đình Phù Sa, năm 1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ và một số đồng chí cán bộ Trung ương đã dừng chân và làm việc tại đây.

Đình Phù Sa năm 1954 – Nơi đây, Bác Hồ chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo về tình hình hội nghị Giơnever và bàn về công tác chuẩn bị tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Lễ hội đình Phù Sa hàng năm được tổ chức từ trong 6 ngày, ngày 14 – 19 tháng Giêng Âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của Nhị vị Đức Thánh và Thánh Tản Viên với dân, với nước.

Lễ hội đình Phù Sa có lễ rước nước được tổ chức rất long trọng. Để lấy nước sông Hồng, dân làng tổ chức rước kiệu nhị Thánh và Tản Viên Sơn Thánh quanh làng vào ngày 14 tháng Giêng…

Lễ rước nước ở đình Phù Sa nổi tiếng từ xa xưa:

12 rước nước Phú Nhi

13 Thanh Trì – 14 Phù Sa

15 trảy hội đền Và

Có đi anh đợi, có ra anh chờ

Ngày 17 tháng Giêng tổ chức tế Thánh. Ngày 18 tháng Giêng chính hội, rước kiệu các Thánh đi quanh làng, cầu cho quốc thái dân an, vạn vật tốt tươi. Ngày 19 tháng Giêng tiếp tục tế lễ. Buổi chiều kết thúc lễ hội, tế tạ.

Lễ rước nước và lễ hội đình Phù Sa

Vào những ngày lễ hội, tại đình Phù Sa có tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian, hoạt động thể dục thể thao quần chúng, thu hút đông đảo Nhân dân và khách thập phương đến xem.

Quỳnh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *