Di sản

Di tích Thành cổ Sơn Tây – công trình quân sự độc đáo bằng đá ong

Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, với diện tích 12ha. Thành được xây dựng năm 1822, có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông; xung quanh thành có hào nước bao bọc…

Nằm giữa trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội, Thành cổ Sơn Tây là công trình kiến trúc quân sự cổ được xây dựng bằng đá ong, với diện tích 12ha.  Đây là một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn. Thành cổ được coi là biểu tượng cho truyền thống đấu tranh anh dũng của Nhân dân Sơn Tây. Di tích Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BVHTT, ngày 15/10/1994.

Thành được xây dựng năm 1822, theo cấu trúc hình tứ giác, mỗi bên dài khoảng 40m, tường thành cao khoảng 5m, rộng 4m được xây chủ yếu bằng đá ong xếp chồng lên nhau. Xung quanh thành có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban, trên bề mặt thành có nhiều lỗ châu mai giúp quân lính quan sát và chiến đấu. Thành có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: Cổng Hậu, cổng Tiền, cổng Hữu, cổng Tả. Cổng Tiền nhìn ra phố Quang Trung, cổng Hậu nhìn ra phố Lê Lợi, thẳng tới sông Hồng. Cổng Hữu nhìn ra phố Trần Hưng Đạo, cổng Tả nhìn ra chợ Nghệ – Sơn Tây. Hiện 4 cổng thành bằng đá ong vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ cổ kính, trên các cổng có vọng lâu và ụ súng. Cửa Bắc Thành cổ Sơn Tây hiện còn đặt hai khẩu súng thần công, dấu tích của cuộc chiến đấu chống giặc Pháp theo chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi.

Kỳ đài thành cổ Sơn Tây

Ảnh: Cổng Thông tin điện tử thị xã Sơn Tây

 

Một góc thành cổ

Trước đây, cùng với Thành Bắc Ninh, thành cổ Sơn Tây được coi là 1 trong 2 gọng kìm lợi hại để bảo vệ Hà Nội trước nguy cơ tấn công của thực dân Pháp. Cuối thế kỷ 19 thành Sơn Tây là đầu não cuộc kháng chiến chống giặc Pháp do Hoàng Kế Viêm lãnh đạo…Sau này, tại thành cổ Sơn Tây, vào năm 1946, tại Vọng Cung đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà để quyết định các vấn đề quan trọng mở đầu cho những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng  và Nhân dân ta.

Thành cổ Sơn Tây có 5 khu: Giữa thành là khu nghi lễ, có hai ao sen hai bên và 1 vọng lâu cao 18 thước. Ngoài ra, thành cổ còn điện Kính thiên (nơi hành lễ của nhà Vua), hành cung, sân, điện, cột cờ…

Đến thành cổ Sơn Tây, ta như lạc vào một thế giới cổ xưa với những cây cổ thụ to lớn, um tùm, quanh năm xanh mát, nhất là cây si với bộ rễ dài ôm trùm cổng thành rêu phong, những bờ tường đá mốc màu thời gian, những thảm cỏ xanh mướt, hào nước sâu, xanh thăm thẳm nối ra sông Tích càng làm cho không gian nơi đây thêm cổ kính, thâm nghiêm. Đến trước điện Kính Thiên là một sân rộng lát gạch, phía ngoài cổng có bức bình phong xây bằng gạch, đắp hình nổi “Long vân khánh hội” bằng vôi vữa. Tiếp đó là Đoan môn có ba cửa ra vào, nhìn thẳng ra Kỳ đài (cột cờ) xây trên một bệ hình chóp vuông bằng đá ong, cao khoảng 18m được xây trên  hai tầng bệ đá ong vững chắc.

Thành cổ Sơn Tây từng là nơi đặt cơ quan hành chính của xứ  Đoài, bao gồm gần 1/2 diện tích của tỉnh Hà Tây cũ, tỉnh Vĩnh Phúc, một phần tỉnh Phú Thọ, huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang. Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, nhiều công trình của thành đã bị phá hủy, tuy nhiên hình dạng và những dấu tích của nó vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1924, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương đã xếp hạng di tích cổ cho tòa thành này. Năm 1994, Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia. Năm 2014, UBND thị xã Sơn Tây đã phối hợp với Quân chủng  Phòng không – Không quân xây dựng Khu trưng bày máy bay tại di tích Thành cổ Sơn Tây với diện tích trên 4.000 m2, trưng bày 2 máy bay MiG-21 từ Trung đoàn Sao Đỏ và 1 máy bay Mi-8 từ Trung đoàn 916, góp phần tăng giá trị quân sự, lịch sử, văn hóa của khu di tích. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã cho cải tạo, chỉnh trang Di tích lịch sử văn hóa thành cổ Sơn Tây. Từ đó đến nay, công trình này luôn được thị xã Sơn Tây giữ gìn, bảo vệ. Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nơi đây trở thành chợ hoa cây cảnh, thu hút hàng vạn người ở Sơn Tây, các quận, huyện ở Hà Nội, các tỉnh lân cận về đây thưởng ngoạn, mua bán. Trong năm, tại đây còn có nhiều hoạt động văn hóa khác như: Triển lãm sinh vật cảnh, chọn Thành cổ là điểm du lịch quan trọng trong tour, tuyến du lịch trọng điểm của thị xã.

Thanh Quy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *