Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong số 15 di tích của cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia trong đợt 1/2017.
Bộ VHTTDL vừa có quyết đinh số 824/QĐ- BVHTTDL công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hạ Thái, xã Duyên Hải, Thường Tín, Hà Nội là di tích quốc gia.
Đình Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín mang đậm nét kiến trúc của đồng bằng Bắc bộ với cây đa, bến nước, sân đình. Đây là nơi thờ hai vị thành hoàng làng là quan võ thời Lê Bùi Sĩ Lương và bà Đinh Thị Trạch (hay còn gọi là bà Lạy) người đã hy sinh tính mạng của mình để cho dân làng thoát nạn cống nạp người. Thần phả ghi lại rằng: trước đây vùng đất này hoang vu, cây cối um tùm và dân cư thưa thớt. Lúc đó trong rừng có một con hổ dữ, dân làng gọi là hổ lang thường tìm về bắt người và gia súc ăn thịt. Không thể thu phục được con hổ đã thành tinh này nên hàng năm dân làng đành phải cống nạp cho hổ một người vào ngày 10/11. Trong làng có bà Lạy, một người đàn bà không chồng, không con, thấu hiểu nỗi đau và mất mát của dân làng, bà đã tự nguyện dâng mình cho hổ với mong muốn việc cống nạp này sẽ chấm dứt. Lời khấn cầu nguyện của bà trước trời đất có vẻ linh thiêng và ứng nghiệm, bởi kể từ ngày 10/11 năm đó khi hổ đến vồ bà Lạy và đưa đi mất, người dân không còn thấy hổ quay lại quấy phá nữa. Để tưởng nhớ công ơn của bà, người dân đã xây miếu thờ, sau này bà được tôn làm thành hoàng làng và miếu đó trở thành đình làng Hạ Thái và lấy ngày 10/11 hàng năm là ngày hội làng truyền thống. Đình làng Hạ Thái còn liên quan đến quan võ thời Lê Bùi Sĩ Lương (1544-1597), ông làm đến chức Thái sư kiêm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Là người thông minh văn võ song toàn, ông có công lớn trong phò Lê, diệt Mạc. Khi đến Hạ Thái, nhận thấy vùng đất nơi này có thế rồng chầu hổ phục, ông đã chọn Hạ Thái để lập gia trang và dạy dân lập nghiệp, vì vậy sau khi mất, ông cũng được tôn là Thành hoàng làng. Lễ hội làng Hạ Thái diễn ra từ ngày 9 đến 11/11 âm lịch hàng năm và thu hút được đông đảo du khách thập phương về tham dự.
Cùng được xếp hạng di tích quốc gia trong dịp này còn có 14 di tích khác của cả nước gồm: Di tích lịch sử đền An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, Di tích lịch sử Nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Keo En (1953-1954), xã Thanh Định, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên,Di tích lịch sử Xưởng Đội Cấn – Nhà máy quân giới K77 (1947-1954), xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Di tích lịch sử Địa điểm cơ quan Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Nơi ở, làm việc của Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái (1949-1954), xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Di tích lịch sử đình Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh,Di tích lịch sử đền, chùa Hà Dương, xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Di tích lịch sử chùa Am Vãi, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, Di tích kiến trúc nghệ thuật lăng Giáp Đăng Luân, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang,Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đại Từ, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến tỉnh Đắk Lắk (1965-1975), xã Cư Pui, Yang Mao. Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, Danh lam thắng cảnh Thác Drai Yông, xã Ea M’nang, huyện Cư M’ga và xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Lạc, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, Di tích lịch sử miếu Trà Đoài, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình,Di tích lịch sử trại Đa-vít, phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Huyền Chi (t/h)
Theo MaskOnline