Phấn đấu đến năm 2030 tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.300 VĐV đội tuyển Hà Nội, trong đó khoảng 250 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng trên 200 HLV tài năng, trong đó có trên 20 HLV cao cấp; có trên 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 34…
Nhiều năm qua, Hà Nội luôn quan tâm cho lĩnh vực thể thao thành tích cao. Thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ luyện tập và thi đấu; có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khen thưởng thỏa đáng đối với HLV, VĐV…Hà Nội cũng tăng cường sử dụng nguồn lực chuyên gia nước ngoài trực tiếp huấn luyện cho các VĐV Hà Nội. Những quyết sách đó thể hiện quyết tâm của Hà Nội đầu tư vào các môn thể thao nằm trong hệ thống ASIAD, Olympic, lấy đấu trường SEA Games làm cơ sở từng bước tiếp cận đấu trường châu lục và thế giới. Thể thao thành tích cao của thành phố Hà Nội luôn duy trì ổn định vị thế dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, trong năm 2023, lĩnh vực này tiếp tục vững vàng trong vai trò trụ cột của thể thao Việt Nam trên các đấu trường quốc tế, với nhiều thành tích đáng tự hào.
Để thu hút nhân tài thể thao, Thành phố đã ban hành Kế hoạch 230/KH-UBND ngày 26/8/2022 về xây dựng cơ chế thu hút nhân tài thể dục, thể thao (TDTT) Thủ đô giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch nêu rõ, trong giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, ngành thể thao Thủ đô sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài TDTT của thành phố Hà Nội trên cơ sở rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chế độ chính sách của Thành phố về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ đối với tài năng, năng khiếu về TDTT. Đồng thời, xây dựng cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nguồn lực trong và ngoài nước tham gia, góp phần kết nối và tăng cường năng lực hội nhập, nâng cao năng lực, tiêu chuẩn thể thao Việt Nam ngang tầm châu lục và thế giới. Phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV tài năng, năng khiếu đặc biệt ở các môn thể thao thi đấu ASIAD, Olympic và các môn là thế mạnh của Việt Nam; các HLV tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, uy tín nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt huấn luyện VĐV thi đấu đạt huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế; phấn đấu giữ vững danh hiệu là trung tâm thể thao đứng đầu cả nước.
Hà Nội hy vọng tiếp tục thu hút được nhiều VĐV tài năng
Ảnh: Đỗ Tâm
Kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 từ năm 2022 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030. Giai đoạn 1 sẽ tập trung vào công tác nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút tài năng, năng khiếu thể thao. Giai đoạn này được chia thành 2 giai đoạn nhỏ. Từ năm 2022 đến năm 2023, ngành thể thao thành phố sẽ bổ sung những chính sách chiêu mộ các vận động viên đã đạt thành tích cao, còn khả năng tiếp tục giành huy chương tại ASIAD và Olympic; thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó có chính sách tuyển dụng công chức, viên chức đối với tài năng thể thao (sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân Thành phố). Từ năm 2024 đến năm 2025, bổ sung cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với HLV, VĐV Hà Nội được triệu tập tập huấn đội tuyển quốc gia (ngoài định mức đã được quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP); Cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các VĐV, HLV tài năng đạt huy chương vàng tại Đại hội Thể thao toàn quốc, Đại hội Thể thao Đông Nam Á, đạt huy chương tại Đại hội Thể thao Châu Á, Olympic và các giải Vô địch Thế giới, Châu Á đối với các môn thể thao Olympic theo chu kỳ tổ chức giải và chu kỳ Đại hội.
Cũng trong giai đoạn này, ngành thể thao Thủ đô sẽ đẩy mạnh chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng tài năng, năng khiếu thể thao; Chế độ, chính sách hỗ trợ 1 lần tính theo năm công tác, cống hiến trong ngành thể dục thể thao (ngoài chế độ bảo hiểm thất nghiệp).
Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến năm 2030), ngành thể thao Thủ đô tập trung vào 2 nhiệm vụ chính gồm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chế độ, hình thức khen thưởng cho các VĐV, HLV khi đạt huy chương tại Olympic và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chính của giai đoạn 2022 – 2025; cập nhật điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn.
Với Nghị quyết 13/2023/NQ- HĐND của HĐND thành phố, các vận động viên, huấn luyện viên thể thao Hà Nội đạt thành tích cao sẽ có chế độ đãi ngộ tốt hơn
Ảnh: Minh Quang
Đầu năm 2024, lĩnh vực thể thao thành tích cao của Thủ đô đã đón nhận sự thay đổi lớn về cơ chế, đó là Nghị quyết số 13/2023/NQ- HĐND ngày 6/12/2023 của HĐND thành phố Hà Nội về Quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố (trong đó có quy định về một số chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao của thành phố Hà Nội ). Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội xoay quanh chế độ thu hút, đãi ngộ đặc thù đối với VĐV, HLV đạt thành tích cao đem đến sự phấn chấn lớn. Bản thân các VĐV cũng xem đây như động lực mạnh mẽ giúp bản thân họ gắn bó, cống hiến cho thể thao Hà Nội; cũng như tuyển chọn được những tài năng có trình độ về Thủ đô đóng góp trong thời gian tới.
Đây sẽ là bàn đạp để thể thao Hà Nội hướng đến những mục tiêu lớn tiếp theo: Phấn đấu năm 2024, có trên 30% lực lượng VĐV đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic lần thứ 33 tại Pháp và phấn đấu có huy chương. Phấn đấu đến năm 2025, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.200 VĐV tuyến đội tuyển Hà Nội, trong đó khoảng 150 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng trên 200 HLV, trong đó có trên 20 HLV cao cấp; có trên 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 33 tại Thái Lan và trên 30% lực lượng VĐV và thành tích thi đấu trong đội tuyển quốc gia tham dự ASIAD lần thứ 20 tại Nhật Bản năm 2026. Phấn đấu đến năm 2030 tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 1.300 VĐV đội tuyển Hà Nội, trong đó khoảng 250 VĐV đạt thành tích quốc tế; tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng trên 200 HLV tài năng, trong đó có trên 20 HLV cao cấp; có trên 30% lực lượng HLV, VĐV và thành tích cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 34 tại Brunei năm 2027 và SEA Games 35 tại Lào năm 2029; trên 30% lực lượng VĐV đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic lần thứ 34 tại Mỹ năm 2028 và phấn đấu có huy chương và trên 30% lực lượng VĐV và số huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Châu Á lần thứ 20 và 21 tổ chức tại Nhật Bản năm 2026 và Qatar năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường đầu tư, nâng cấp đồng bộ cơ sở vật chất hiện có, mua sắm đầy đủ trang thiết bị chuyên dụng phục vụ việc tập luyện, thi đấu đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa ở một số môn nhằm hỗ trợ HLV, VĐV trọng điểm…
Đức An