Di sản

Đình Tường Phiêu đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Tối 18/2, tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, UBND huyện Phúc Thọ đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu. Tham dự buổi lễ có Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng; Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý.

Trong “hệ thống đình Đoài” được biết đến như những báu vật chứa đựng thẳm sâu văn hóa Việt, đình Tường Phiêu (xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ) được coi là “kho” lưu trữ văn hóa, lịch sử ẩn chứa nhiều nét kỳ thú, đặc biệt hấp dẫn. Kiến trúc đình Tường Phiêu là một sáng tạo với nhiều đặc trưng nghệ thuật độc đáo, không gặp ở các ngôi đình khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết: “Đình Tường Phiêu là một di tích cổ kính nổi tiếng xứ Đoài, có quy mô lớn. Đình tuy chỉ có duy nhất một công trình kiến trúc nhưng bản thân công trình này đã được tu sửa ở nhiều giai đoạn khác nhau song các bộ phận kiến trúc đó vẫn tạo ra sự hài hòa trong một không gian thống nhất. Công trình chi tiết kiến trúc này mang tính nhất quán cao, liên quan mật thiết với nhau và được xây dựng đăng đối qua trục thần đạo, một hình thức xây dựng truyền thống của dân tộc ta”.

Kiến trúc đình Tường Phiêu là một sáng tạo với nhiều đặc trưng nghệ thuật độc đáo.

Không chỉ độc đáo về kiến trúc, văn hóa, mỹ thuật, đình Tường Phiêu với vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng dân cư, còn là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo gắn kết với việc phụng thờ vị phúc thần Tản viên Sơn Thánh. Trong đó phải kể đến lễ hội truyền thống được tổ chức vào tháng Giêng âm lịch hàng năm với các lớp văn hóa tích hợp trong thần tích và lễ hội gồm: lớp văn hóa thần thoại về tam vị thánh Tản, lớp văn hóa tín ngưỡng thờ thần núi, lớp văn hóa nông nghiệp, lớp văn hóa thờ cúng tổ tiên…
Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng phần hội vẫn duy trì được nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh đời sống của cư dân lúa nước cùng các trò chơi dân gian độc đáo. Có thể kể đến tục rước kiệu và đốt đình liệu (còn gọi là đuốc thần) vào tối ngày Hội (14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), được tổ chức kỹ càng, nghiêm cẩn từ khâu chuẩn bị.
Lễ hội đình Tường Phiêu là một trong số những lễ hội tiêu biểu của vùng đất xứ Đoài xưa, nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc với nhiều nghi thức độc đáo, phản ánh các nghi thức truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền.

Các chi tiết cấu kiện độc đáo bên trong đình.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn khẳng định: Trải qua nhiều biến cố lịch sử, thách thức của thời gian và khí hậu, di tích đình Tường Phiêu vẫn trang nghiêm bên dòng sông Tích như một nhân chứng bất tử cho truyền thống văn hiến của người dân nơi đây. Đình Tường phiêu cùng toàn bộ truyền thuyết về tam vị đức thánh Tản, các di vật trong đình là những tư liệu quý về lịch sử, phong tục, tập quán của vùng đất xứ Đoài xưa…Từ điểm nhìn của những người yêu di sản văn hóa Hà Nội, có thể hình dung: Đình Tường Phiêu là một di sản văn hóa, một thứ “của để dành” mà cha ông trao lại cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau, do vậy rất cần được trân trọng, gìn giữ.
Để gìn giữ, phát huy giá trị di sản, việc đầu tiên, chính quyền và nhân dân huyện Phúc Thọ đang nỗ lực thực hiện là lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích đình Tường Phiêu nhằm phát huy giá trị của một di tích Quốc gia đặc biệt. Song song với đó, là những bước chuẩn bị cho việc giới thiệu di sản văn hóa tới công chúng và du khách trong và ngoài nước; tập trung khai thác dịch vụ du lịch, cụ thể là kết nối đình Tường Phiêu với các di tích phía Tây Hà Nội như đền Hát Môn, chùa Thầy, chùa Tây Phương… thu hút khách du lịch tâm linh, góp phần phát huy bền vững giá trị di sản.

PV

Ảnh: Internet

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *