Di sản – Bảo tồn

Độc đáo di tích Quốc gia và lễ hội đình Vòng

Đình Vòng thờ hai vị thiên thần làm Thành hoàng là Cương Lược đại vương và Hùng Lược đại vương, thời Hùng Vương thứ 18. Thời kháng chiến, đình Vòng là cơ sở hoạt động cách mạng, nay là nơi tiễn đưa con em của dân làng Hạ Đình nhập ngũ hàng năm.

Đình Vòng được xây dựng từ khoảng thế kỷ XV-XVI, tại đất Kẻ Mọc, nằm bên sông Tô Lịch. Đình quay mặt về hướng đông và còn có tên là đình Hạ Đình. Đình thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân.

Năm 1993, đình Vòng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Đình Vòng có quy mô kiến trúc khá lớn. Trước Đình có nhà vuông tám mái gọi là Phương Đình, tiếp đó là hồ bán nguyệt. Sau Đình là những gò, đống, cây cối um tùm tạo ra cảnh sơn thuỷ hữu tình. Hai bên Phương đình là hai dãy giải vũ 3 gian, trang trí đơn giản. Đại đình 5 gian 2 chái, chạm khắc rồng mây, hoa lá. Nhà bia nằm ở bên trái đại đình.

Đình còn bảo lưu được nhiều di vật quý thời Lê Trung hưng và thời Nguyễn, 8 đạo sắc phong của triều Nguyễn, sớm nhất là sắc năm 1847, muộn nhất là năm 1924; kiệu bát cống, hệ thống bia đá, lư đồng, chuông đồng đúc năm 1882, bát hương, kiệu bát cống, choé sứ, lục bình, tượng đá, v.v…

Đình Vòng thờ hai vị thiên thần làm Thành hoàng là Cương Lược đại vương và Hùng Lược đại vương, thời Hùng Vương thứ 18, có nhiều công lao giúp Vua chống giặc. Đình còn phối thời 9 vị quan người làng Hạ Đình. Đó là: Tiến sĩ Lê Đình Dự, Lê Đình Lại, Lê Hoàng Tuyên, Nguyễn Khuê; Hoàng giáp Trương Thời, Lê Đình Diên; Phó bảng Lê Đình Xán; Hương cống Nguyễn Đình Kỳ và Cử nhân Nguyễn Khắc Chuẩn. Đình Vòng cũng là nơi vua Lê Chiêu Tông chạy loạn Mạc Đăng Dung, đến tạm trú và được dân làng bao bọc, che chở.

Thời kháng chiến, đình Vòng là cơ sở hoạt động cách mạng, nay là nơi tiễn đưa con em của dân làng Hạ Đình nhập ngũ hàng năm.

Năm 1993, lễ hội đình Vòng đã được khôi phục lại, sau hơn 40 năm gián đoạn.

Lễ hội đình Vòng được tổ chức từ ngày mùng 1 –  4 tháng Hai âm lịch. Lịch trình lễ hội như sau: Ngày mùng 1 tháng Hai mở cửa đình, rước bát hương từ nghè về đình (Nghè ở phía sau đình, cách khoảng 300 mét). Tối ngày mồng 1 có lễ phong y, thay và lâu áo lễ cho nhị vị Thành hoàng và hai vị quan bộ. Ngày mùng 2 chính hội, có các nghi thức: Tế nam, dâng hương, rước cỗ từ đình ra nghè và từ nghè về đình. Buổi chiều tối, bài vị thành hoàng được đưa vào phía trong cung cấm và các sớ được hoá.Buổi tối có hát ca trù, quan họ và các trò chơi dân gian như đá cầu, kéo co, đấu vật, chọi gà, ném vòng, đánh cờ người, chọi chim…. Đến chiều mùng 4 là kết thúc lễ hội. Lễ rước giã chiều mùng 4 được thực hiện, long kiệu do 8 người rước bát hương từ Đình vào trong nghè.

Ngày 02 tháng Hai chính hội. Đúng 8 giờ sáng, ba hồi trống vang lên cũng là hiệu lệnh tập trung dân làng ra Đình. Sau thủ tục tuyên bố lý do, lễ dâng hương  được ông chủ tế thực hiện với sự tham gia của đội tế nam và đội nữ dâng hương. Sau lễ dâng hương các gia đình dâng lễ vật và bái tế tổ tiên….

Sáng ngày chính hội dân làng tổ chức lễ rước kiệu thành hoàng đi quanh làng cùng với nghi lễ tôn vinh những gia đình Văn hóa và hiếu học. Tổ chức lễ rước bát hương từ Nghè về Đình. Nghi lễ diễn ra hết sức long trọng, thể hiện lòng tôn kính: Đi đầu đám rước là đội cờ tuyết mao; năm lá cờ đuôi nheo và cờ vuông ngũ hành; bốn lá cờ tứ linh. Tiếp theo đội cờ là đội trống. Đi giữa là hai người khiêng trống lớn. Người đi sau cầm dùi, vừa đi vừa đánh trống. Cứ 3 tiếng trống thì có 1 tiếng chiêng. 4 người đàn ông đã có tuổi, đầu đội khăn xếp đen, mặc áo tứ thân đen vừa đi vừa thổi kèn, sáo và kéo nhị. Tiếp đến là bốn người cầm lọng vàng và đội hình “chấp kích”, tay cầm gươm dài, bát bửu, rìu đồng…. Đi hai bên là 2 hàng đội nón, thắt lưng đỏ, tay cầm gươm dài và lệnh kiếm của thần.

Đi sau đoàn chấp kích là phường đồng văn gồm vài người cầm trống khẩu gõ theo nhịp của trống lớn. Một đội phụ nữ mặc áo nẹp vàng, tay cầm thanh la vừa đi vừa múa hát sinh tiền.

Tiếp theo là Kiệu bát bửu gồm 8 giai kiệu rước bài vị thờ nhị vị Thành hoàng từ Đình ra Nghè, đồng thời rước hai bát hương từ Nghè về Đình thờ. Tiếp đến là đoàn nghi trượng và đội rước long đình. Hai long đình đi cách nhau vài mét. Mỗi long đình có bốn giai kiệu khoẻ mạnh rước.Trước mỗi long đình, có một cụ ông cầm trống khẩu làm hiệu lệnh. Tất cả các giai kiệu đều trong trang phục màu đen, đầu đội khăn xếp, chân đi giày, thắt lưng đeo quạt giấy, phỏng theo điển tích đi đánh giặc xưa. Tiếp đó là bốn mâm bánh lễ, hoa quả do những người phụ nữ trong trang phục áo tế vàng, đai đỏ, khăn vàng. Đi sau đoàn rước là các bô lão và Nhân dân, khách thập phương.

Lễ hội đình Vòng có nhiều tục lệ như: Trên đường rước kiệu, trẻ em thường được cho chui qua gầm kiệu để cầu giỏi và chóng lớn; người lớn thì thắp hương, gửi lộc và cầu mong may mắn. Đặc biệt, dọc đường kiệu trở lại đình, mỗi nhà sẽ đem chiếu mới ra trải trước cổng để cả đoàn rước đi qua, sau đó sẽ đem dùng cho cả năm, coi đó là lộc may mắn.

Ngày nay, lễ hội đình Vòng do Ban tổ chức lễ hội triển khai, đồng chí chủ tịch UBND phường làm trưởng ban, có nhiều tiểu ban được thành lập như tiểu ban điều hành, tuyên truyền, khánh tiết, lễ tân, trang trí, công đức, hậu cần giúp Ban tổ chức và lễ hội được diễn ra thành công, an toàn.

Lễ hội đình Vòng hàng năm tổ chức hội lệ. Ba năm tổ chức đại đám một lần, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Lễ hội chính sẽ tổ chức trong ba ngày.

Lễ hội đình Vòng không chỉ là lễ hội truyền thống lâu đời, tưởng nhớ công lao với dân với nước của các vị thành hoàng, lễ hội còn gây chú ý bởi có một nghi lễ độc đáo – Nghi lễ tôn vinh gia đình văn hóa và hiếu học, được diễn ra trong quá trình rước kiệu thành hoàng làng.

Quỳnh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *