Di sản

Độc đáo Hát trống quân ở làng Phúc Lâm, huyện Phú Xuyên

Điểm độc đáo của hát trống Phúc Lâm là trong lời hát luôn có chữ “thời” và luôn nhịp nhàng với nhịp trống. Phúc Lâm có cả hát trống quân cửa đình và hát trống quân giao duyên.

Hát trống quân là nghệ thuật dân gian độc đáo ở đồng bằng Bắc bộ, trong đó có làng Phúc Lâm, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên. Đây là ngôi làng cổ nằm gần sông Lương, sông Nhuệ.

Hát trống quân ở làng Phúc Lâm được ra đời nhằm xua tan nhọc nhằn, vất vả của người nông dân sau những buổi lao động trên đồng. Những đêm trăng thanh gió mát là trai gái trong làng hát giao duyên, hát đố đến canh thâu. Điểm độc đáo của hát trống Phúc Lâm là trong lời hát luôn có chữ “thời” và luôn nhịp nhàng với nhịp trống. Phúc Lâm có cả hát trống quân cửa đình và hát trống quân giao duyên. Trước cách mạng tháng Tám vào ngày hội làng (10/3 âm lịch), ngày giỗ Mẫu (ngày 9/8 âm lịch) và Tết Nguyên đán, làng vẫn tổ chức thi hát trống quân ở sân đình và mỗi xóm có 1 đội hát trống quân.

Theo một số nhà khoa học, điểm độc đáo của nhạc cụ trong hát trống quân chính là cái trống. Để làm chiếc trống quân, người ta đào một hố tròn dưới đất làm hộp cộng hưởng, bên dưới khoét thành hàm ếch để tạo thêm độ âm vang, bên trên đậy tấm ván gỗ sung mỏng làm mặt trống. Riêng trống của Phúc Lâm còn được bỏ vào hố dăm bảy chiếc vỏ ốc để tạo thêm âm thanh khác nhau. Trên mặt trống căng một sợi dây mây già, luồn qua một chiếc lẫy nằm giữa tâm trống rồi buộc hai đầu vào cọc tre đóng xuống đất. Người hát dùng dùi gỗ gõ lên dây tạo nên âm sắc bổng trầm, khoan nhặt làm nhịp hát.

Mở đầu cuộc hát thường là các bài “hát chào” với các làn điệu Mời trầu, Đức bắc, Cò lả… Sau đó đến chặng hát giao duyên giữa hai bên nam nữ. Cao trào trong màn hát đối đáp là các bài đố như Đố quả, Đố hoa, Đố chim… đầy hóc búa và bất ngờ mà bên đáp phải trả lời hết. Nhịp của hát trống quân làng Phúc Lâm là nhịp 2/4 rất đặc trưng.

Sau một thời gian trầm lắng do những lý do chiến tranh, hát trống quân Phúc Lâm được khôi phục lại nhờ tâm huyết của nhiều nghệ nhân đã dày công sưu tập lời cổ và chép thành tài liệu để truyền dạy.

Hát trống quân của Phúc Lâm đã nhận được sự ủng hộ của những nhà khoa học, những nghệ sĩ có tâm huyết với nghệ thuật truyền thống, như GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, NSND Thúy Ngần… đã về địa phương nghiên cứu sưu tầm, biên soạn và dàn dựng một số tiết mục hát trống quân, hát chèo, tạo nền tảng để hát trống quân Phúc Lâm tham gia các Hội thi  và liên tục thành công.

Năm 2016, UBND xã Phúc Tiến đã ra quyết định thành lập Câu lạc bộ hát trống quân Phúc Lâm, lại được ngành VHTT từ huyện đến xã, chính quyền thôn, xã tạo điều kiện vật chất, tinh thần…đã tạo thuận lợi cho hát trống quân Phúc Lâm ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng.

Biểu diễn hát trống quân trong 1 buổi lễ

Hiện nay, Câu lạc bộ hát trống quân Phúc Lâm có 29 thành viên thuộc 3 thế hệ cao niên, trung niên, thanh niên, người cao tuổi nhất ngoài 90, người nhỏ tuổi nhất mới lên 8. CLB có 6 nghệ nhân ưu tú được phong tặng. CLB đã quy được nhiều nghệ nhân tâm huyết như: Kiều Thị Chải, Đào Thị Chăn và Đào Thị Đặt, Đào Văn Chén. Đặc biệt, trong số đó có gia đình của 3 nghệ nhân ưu tú là: Đào Văn Chén, Kiều Thị Chải, Kiều Thị Mách. Riêng nghệ nhân ưu tú Kiều Thị Mách – Chủ nhiệm CLB đang chuẩn bị được đón nhận danh hiệu Người tốt việc tốt Thành phố năm 2023.

3 nghệ nhân của CLB hát trống quân làng Phúc Lâm đón nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Ảnh: Thanh Trang

Từ khi thành lập đến nay, CLB Hát trống quân làng Phúc Lâm đã nhiều lần đi thi và giành giải thưởng trong các cuộc Liên hoan, Hội diễn như: Giải đặc biệt Liên hoan dân ca dân vũ huyện Phú Xuyên, giành giải Nhất Liên hoan dân ca dân vũ thành phố Hà Nội năm 2017…Mỗi năm CLB tổ chức hàng chục buổi diễn phục vụ nhân dân hoặc đi giao lưu ở các huyện trong Thành phố, một số tỉnh, thành trong cả nước.

Do những nét độc đáo, riêng biệt, hát trống quân ở làng Phúc Lâm được nhiều nhà khoa học, viện nghiên cứu đang đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Quỳnh Quy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *