Di sản

Độc đáo kiến trúc Đình So

HNP- Đình So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai nằm cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 25km, là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài “Đẹp đình So – To đình Cấn”. Đình được xây dựng năm 1673 thờ tam vị Đại Vương có công giúp vua Đinh Tiên […]

HNP- Đình So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai nằm cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 25km, là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài “Đẹp đình So – To đình Cấn”. Đình được xây dựng năm 1673 thờ tam vị Đại Vương có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Ngôi đình tọa lạc trên một khoảng đất rộng mà cao tiền hướng sông, hậu tựa núi. Trước cửa đình có một ao nước lớn hình bán nguyệt được ví như điểm tụ thủy, tụ phúc cho dân làng. Cổng tam quan đình làng So rất đẹp với một dãy bậc thang đá có 18 cấp dắt xuống phía hồ bán nguyệt, hai bên có hai hàng lan can bằng đá, mỗi đầu có tạo hình đám mây rất mềm mại và sống động, tạo cảm giác mây vờn gió thổi rất nhẹ nhàng.

Bước qua cổng tiến vào sân đình không gian được bài trí phong thủy theo hàng lối với đỉnh hương, chậu cây cảnh đối xứng, cặp cây đại cổ thụ lâu năm. Toàn bộ khuôn viên ngôi đình có tường gạch trổ hoa bao lơn hài hòa với nền sân gạch đỏ, về hai phía tả hữu bố trí hai dãy nhà dải mỗi dãy 5 gian mái ngói chạy dọc đến nhà Đại bái. Đây cũng là nơi cất giữ hai ông ngựa gỗ chỉ sử dụng khi có dịp lễ hội. Cả hai bên tả hữu đều mở cổng phụ liền với dãy nhà dải có mai hiên che. Trước gian Đại bái có bậc đá tam cấp hai bên đặt hai tượng rồng bằng đá. Nhìn tổng thể gian đại bái cao rộng, vững trãi bao quanh bời móng đá xanh. Hệ thống cửa bức bàn và các chắn song con tiện chạy dọc về hai phía tạo cảm giác mộc mạc, cổ kính.

Mái tam quan đình So

Bên trong đình So không gian cao rộng thoáng đãng gồm 7 gian hai chái, gian Đại điện nằm ở chính giữa trũng hơn hẳn so với các gian ở hai bên. Đây là nơi đặt án hương thờ nhà Thánh, cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dịp hội hè lễ tết. Hệ thống cột cái cột quân tổng cộng hơn 60 chiếc bằng gỗ lim xếp thành 6 hàng ngang và 10 hàng dọc. Kết cấu bộ khung nâng đỡ toàn bộ ngôi đình khá đồ sộ, kẻ truyền nối cột hiên với cột quân rồi đến cột cái gắn kết nhau bởi các nút mộc ăn khớp. Nóc đình được đỡ trực tiếp bởi giá chiêng, câu đầu vững chắc. Các bức cốn trong chính điện được ghép bởi rường và xà nách kết hợp với hàng cột trụ và trụ đấu tạo thành những bức cốn vuông thành sắc cạnh.

Từ gian giữa hất về hai bên đều được lát sàn gỗ cao cách mặt đất 0,5m, nơi đây trải chiếu hoa cho các bậc cao niên trong làng hội họp, cúng tế vào dịp lễ hội. Gian Đại bái trưng bày nhiều đồ thờ quý giá như: 4 bộ kiệu sơn son thiếp vàng phủ nhiễu điều, 2 chiếc trống cái lớn làm bằng da trâu, và một đôi hạc, một đôi lọng đặt hai bên án thờ, cùng nhiều đồ thờ bằng sứ bằng đồng giá trị. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong từ thời Đinh đến thời Nguyễn. Đứng trước chính điện ngước lên cao có bộ cửa võng sơn son lộng lẫy, chạm bong kênh nhiều linh vật tinh xảo, hoa lá sống động. Phía sau là Hậu cung đặt 3 bộ ngai thờ Tam vị Đại Vương chỉ mở cửa khi sắp có hội làng và cũng chỉ một số người có bổn phận mới được vào trong hậu cung hầu Thánh.

Trang trí mỹ thuật của đình So khá phong phú và đa dạng với những mảng chạm có giá trị mỹ thuật và mang tính kỹ thuật cao. Các mảng chạm khắc ở đình So tập trung chủ yếu ở Nghi môn, gian giữa tòa Đại đình và Ống muống. Đình so trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và cũng có các đợt trùng tu nên các mảng trang trí trong đình cũng có những kỹ thuật thể hiện khác nhau nhưng chung lại vẫn tạo được sự tổng thể và thống nhất tạo nên một công trình bề thế về không gian và giá trị về thẩm mỹ của đình So nói riêng và cho các ngôi đình Việt Nam nói chung.

Ở Nghi môn của đình So với những bức chạm khắc các đề tài phong phú nhưng hình tượng rồng được làm đề tài chính xuyên suốt từ Nghi môn vào đến Đại đình. Với bức chạm bộ tứ linh thì trung tâm là hai con rồng lớn đang trong tư thế quay đầu vào nhau được thể hiện rất dữ tợn với hai mắt lồi về phía trước, trán u và mũi chạm vào nhau. Tạo hình rồng này đã xuất hiện tai thú và ngay phía sau tai là các bờm được cách điệu như các đao lửa xuôi về phía sau. Thân rồng uyển chuyển lẩn khuất trong những đám mây, thân vảy to và chân đang trong tư thế cuốn mây, đuôi xoắn ở hai góc phía trên. Phía sau đuôi rồng là hình ảnh hai con phượng đang tung cánh bay lên, phía dưới có 2 con lân và 2 con long mã đối xứng nhau. Hình ảnh long mã ở phía dưới mảng chạm cũng đang trong tư thế chạy và đầu hướng về phía lân như đang vui đùa. Cùng với long mã có xuất hiện rùa chở cuốn thư (Quy lạc thư) miệng phun nước tượng trưng cho khát vọng cầu mùa gắn liền với tư duy đặc trưng gắn với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Hình tượng cá chép cũng xuất hiện trong các mảng trang trí với đề tài long cuốn thủy.

Hình tượng rồng, long mã, cá chép trên ván dong

Các mảng chạm khắc ở Nghi môn được kết hợp nhiều phong cách khác nhau tạo ra sự đa dạng trong trang trí từ chạm nổi hoa lá cách điệu (Tùng – Cúc – Trúc – Mai) đến chạm bong hình tượng rồng nghê tạo nên được những không gian đa chiều của kiến trúc. Trước cửa đại đình ở hai bên tam cấp được trang trí bằng 2 con rồng đá dài 1,55m rộng 70cm độ dày thân là 32cm có chiều cao 92cm với thân ngắn, mập mạp trán thấp, nhỏ nhặt, mũi và miệng to đuôi xoắn phía sau với vảy cá chép điểm xuyến bằng các họa tiết mây lửa. Vào trong Đại đình thì đề tài trang trí được thể hiện bao quát trong tòa Đại đình là hình ảnh “tứ linh” mà chủ yếu là hình tượng rồng được thể hiện tất cả trên các bức cốn, y môn, đầu dư, xà nách và các kẻ trong gian lòng thuyền được coi là trung tâm của Đại đình.

Đình So thờ 3 vị Thành hoàng làng Hiện Hồ, Thiên Gia, Mệnh Gia có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Theo truyền thuyết dân gian 3 ngài là con thủy thần ngày 8 tháng 2 âm lịch đầu thai sống cùng người phàm. Các ngài rất giỏi việc sông nước lại tinh thông võ nghệ vua Đinh trọng dụng giao cho nhiều trọng trách. Tướng quân Hiện Hồ được phong làm Chỉ huy sứ, Tướng Thiên Gia được phong làm Đô úy, Mệnh Gia tướng quân được phong làm Hiệu úy cầm quân dẹp loạn, nhiều lần có công cứu giá. Khi giặc tan, dân thái bình, 3 ngài cùng lâm bệnh và hóa về trời vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch. Vua Đinh Tiên Hoàng vô cùng thương xót phong cho Hiện Hồ là “Đống Linh Thông hiệu Nguyên Súy Đại Vương”, Thiên Gia và Mệnh Gia phong làm “Nguyên Súy Đại Vương”. Đình làng So một năm có 3 lễ lớn, lễ hội từ mùng 8 tháng 2 âm lịch, lễ khao quân mùng 10 tháng 7 âm lịch, lễ Thánh hóa mùng 10 tháng 12 âm lịch. Hội làng So diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8 tháng 2 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu, bịt mắt bắt dê, hát, thể thao…

Đình So được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích Lịch sử – văn hóa ngày 10/7/1980.

Bình An

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *