Văn hóa cơ sở

Độc đáo ngõ tranh gốm

Đến  tổ dân phố 28,  phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy mọi người không khỏi ngỡ ngàng vì tác phẩm độc đáo: bức tường tranh gốm dài gần 200m với hàng chục bức tranh gốm có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật và giáo dục cho các thế hệ trẻ. Ngõ tranh gốm […]

Đến  tổ dân phố 28,  phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy mọi người không khỏi ngỡ ngàng vì tác phẩm độc đáo: bức tường tranh gốm dài gần 200m với hàng chục bức tranh gốm có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật và giáo dục cho các thế hệ trẻ.

1

Ngõ tranh gốm đã góp phần xây dựng không gian sống trong lành cho người dân

 Ngõ 78 trước là đất của khu sản xuất, kinh doanh của người tàn tật, nay được quy hoạch thành khu dân cư. Con ngõ đã được khoác “tấm áo mới”, tôn thêm vẻ đẹp của các căn hộ nhưng ít ai biết rằng, trước đây đường cũng gập ghềnh khó đi, hệ thống cống thoát nước chưa có, cột điện ra gần giữa đường, nên gây nhiều phiền toái cho việc đi lại của bà con, nhất là những khi trời mưa. Vốn là công nhân quốc phòng về nghỉ chế độ, lại tham gia công tác ở phường, trước thực trạng đó, bà Vũ Thị Bắc, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc phường Dịch Vọng Hậu, đã tiên phong đổ bê tông, làm rãnh thoát nước  cho đoạn ngõ trước cửa nhà mình rồi vận động bà con làm theo. Khi con ngõ đã được bê tông hóa, bà lại một lần nữa đi tuyên truyền, vận động mọi người đóng góp kinh phí rồi tích cực lo thủ tục chuyển các cột điện vào sát chân tường để việc đi lại được thuận tiện hơn.

Ngõ xóm đã sạch đẹp, phong quang nhưng mỗi khi đi lại trên ngõ, bà Bắc lại thấy bức xúc vì tình trạng “rác tường”. Bức tường của trường THCS Dịch Vọng Hậu chạy dọc trước cửa nhà của các hộ dân trong tổ chi chít những mảnh giấy, các số điện thoại quảng cáo các loại dịch vụ, trông rất mất mỹ quan.  Các hộ dân cứ ra công dọn dẹp, tẩy xóa được một vài ngày thì  tình trạng rác tường lại tái diễn. Sau khi tìm hiểu, bà Bắc quyết định thuê thợ làm bức tranh gốm trước cửa nhà để chống lại “nạn” quảng cáo rao vặt… Sở dĩ bà chọn chất liệu gốm bởi đây là chất liệu truyền thống, vừa đẹp lại bền, phù hợp với điều kiện thời tiết. Khi thấm nước, bức tranh trở nên tươi sáng hơn, rất ấn tượng. Bức tranh trước cửa nhà bà hoàn thành, mọi người đến xem đều trầm trồ khen ngợi khiến bà nảy ra suy nghĩ tiếp tục vận động các hộ dân trong tổ cùng làm. Đồng thuận trước việc làm đẹp ngõ, đẹp nhà, các hộ dân đã tích cực hưởng ứng. Các bức tranh được bàn bạc thống nhất là phong cảnh quen thuộc của làng quê như cây đa, bến nước, sân đình; các hoạt động thường ngày của người nông dân: đi cấy, tát nước,  sinh hoạt làng quê đồng bằng Bắc bộ. Mỗi hộ được chọn lựa chủ đề bức tranh trước cửa nhà mình nhưng tất cả phải chung một màu sắc để tạo tính đồng bộ, giúp bức tường đẹp hơn. Bức tường được chia thành hai phần, phần trên là các bức tranh theo chủ đề đã chọn, phần dưới (có chiều cao gần 1m) được trang trí đồng bộ bằng các bức tranh hoa sen, loài hoa biểu tượng của Việt Nam, thể hiện khí phách, tinh thần và vẻ đẹp của người Việt Nam.  Riêng ở hai đầu bức tường, bà và các hộ trong tổ chọn bức tranh Khuê Văn Các và Vinh quy bái tổ có ý nhắc nhở mọi người về niềm tự hào của người Hà Nội, của Thăng Long- Hà Nội nghìn năm văn hiến, động viên thế hệ trẻ ra sức học tập để trở thành những công dân có ích.

2

Bà Vũ Thị Bắc, “người khai sinh”  ngõ tranh gốm

 Với sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của bà Bắc cùng với sự đồng thuận, tích cực ủng hộ cái đẹp của các hộ dân, tổ 28 đã có một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Bức tường tranh gốm đã làm thay đổi diện mạo tổ dân phố 28, tạo không gian sống xanh- sạch- đẹp cho các hộ dân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trở thành một điểm nhấn trong thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan của Thủ đô, được lãnh đạo phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đánh giá cao. Không những thế, thông qua những bức tranh nghệ thuật tinh tế, sắc nét đến từng chi tiết đã có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ trẻ của Tổ dân phố thêm trân trọng các giá trị thẩm mỹ, thêm hiểu biết về làng quê Việt Nam nói riêng, đất nước – con người  Việt Nam nói chung.

Minh Huệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *