Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, đồng chí biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên đã có nhiều đóng góp cho thành tích chung của thành phố trong nhiều năm qua.
Sáng 9/8, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc triển khai các nhiệm vụ chính trị và kết quả công tác của ngành 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2018 và giai đoạn 2019 – 2020.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận tại buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các Sở, ban, ngành của thành phố.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan chuyên môn tham mưu, giúp UBND thành phố Hà Nội quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, quảng cáo (trừ quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin) trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Sở gồm Ban Giám đốc Sở (4 đồng chí); 09 phòng tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ; 16 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Trong đó có 02 đơn vị sự nghiệp đã tự chủ toàn bộ chi thường xuyên là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám; đến năm 2021, 05 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở sẽ tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại Sở là 1.695 người. Đảng bộ Sở có 32 chi bộ trực thuộc với 475 đảng viên. Sở Văn hóa và Thể thao và các đơn vị trực thuộc quản lý 15 thiết chế văn hóa, thể thao; trực tiếp quản lý 02 di tích quốc gia đặc biệt: Đền Ngọc Sơn và Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
6 tháng đầu năm 2018, Sở đã hoàn thành 11 nội dung, trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Sở luôn bám sát sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Thành phố để xây dựng Kế hoạch, triển khai thực hiện các chương trình công tác có trọng tâm, trọng điểm. Các nội dung, nhiệm vụ “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” được tập trung thực hiện. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao tiếp tục được tăng cường; kiểm soát tốt các lĩnh vực do ngành quản lý; Sở VHTT đã tham mưu UBND thành phố ban hành Quyết định số 1997/QĐ-UBND ngày 24/4/2018 phê duyệt Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2050. Sở hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 – 2020”; ban hành Kế hoạch về việc thực hiện 02 Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020. Sở VHTT cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị nghiêm túc tổ chức thực hiện 02 bộ quy tắc ứng xử. Tổ chức thực hiện các dự án, đề án được giao trong Chương trình 04; triển khai xây dựng đề cương Đề tài: “Đánh giá sự phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đảm bảo an sinh xã hội nhiệm kỳ Đại hội XVI (2015-2020) và định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn 2030”.
Công tác trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan được triển khai chủ động, tích cực, có đổi mới. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, rộng khắp. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế được mở rộng. Các hoạt động phục vụ sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô được tổ chức thành công, nổi bật là chuỗi các hoạt động kỷ niệm và Lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội; các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”…; các chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao lớn, thường niên của Thủ đô như: Lễ hội bơi chải thuyền rồng thành phố Hà Nội mở rộng lần thứ Nhất năm 2018; Lễ hội đường phố “Tinh hoa – Hội tụ và tỏa sáng”; giao lưu Văn hóa Nhật Bản; 93 (năm 2017) và 75 (6 tháng đầu năm 2018) hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận… để lại ấn tượng tốt đối với nhân dân Thủ đô và du khách.
Công tác gia đình được tổ chức thực hiện thông qua các hoạt động từ cơ sở. Hà Nội là địa phương đi đầu thực hiện hiệu quả việc cưới, việc tang văn minh, an toàn, tiết kiệm. Công tác tổ chức và quản lý hoạt động lễ hội trên địa bàn Thành phố diễn ra nề nếp, trật tự, an toàn, cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại của những năm trước.
Công tác quản lý nhà nước về di sản ngày càng được tăng cường. Hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục ổn định; việc tu bổ, tôn tạo di tích được quan tâm; những vụ việc vi phạm trong quản lý về di sản ngày càng giảm, được phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời, hạn chế điểm nóng vi phạm về di tích. Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại 5.922 di tích và Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 1.793 di sản phi vật thể.
Tổ chức thực hiện các nội dung Dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội theo chỉ đạo của UBND thành phố. Bảo tàng Hà Nội, bên cạnh việc tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ sưu tầm, trưng bày, bảo quản hiện vật, còn là địa điểm tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn của thành phố.
Phong trào TDTT của thành phố gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” phát triển sâu, rộng, hướng về cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Số người tập luyện TDTT thường xuyên: 38% trên tổng số người dân; Số gia đình thể thao: 28% trên tổng số hộ dân. Sở VHTT đã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đoàn thể của Thành phố tổ chức tốt các hoạt động phát triển phong trào TDTT cho các đối tượng, tầng lớp nhân dân.
Thể thao thành tích cao Hà Nội đạt được 1.010 Huy chương, trong đó 752 huy chương tại các giải Thể thao trong nuớc, 258 huy chương tại các giải Thể thao quốc tế; là địa phương đóng góp số lượng lớn (104/370 = 28,1%) vận động viên cho Đội tuyển quốc gia tham dự ASIAD 2018 tại Indonesia vào tháng 8/2018.
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài phục vụ việc tổ chức, thi đấu và điều hành tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 được tiến hành chủ động, tích cực bám sát vào 03 nhóm nhiệm vụ Trung ương giao thành phố Hà Nội và Kế hoạch của UBND thành phố. Công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức SEA Games 31 và PARA Games lần thứ 11 năm 2021 được ngành chủ động triển khai thực hiện.
Đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng chỉ ra 8 hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục, đồng thời xác định rõ 05 nhóm nội dung, vấn đề ngành Văn hóa và Thể thao tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là:
1. Chủ động xây dựng kế hoạch và tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, tồn tại trên các lĩnh vực công tác của Ngành như báo cáo đã nêu.
2. Các nội dung, nhiệm vụ xây dựng Thủ đô Hà Nội là trung tâm Văn hóa lớn của đất nước:
– Hoàn thiện dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội trở thành nơi hội tụ, lưu giữ những tinh hoa, đặc trưng của Hà Nội.
– Tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống.
– Đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; gắn kết phát triển văn hóa và du lịch.
– Đầu tư đồng bộ về tổ chức bộ máy cán bộ và cơ sở vật chất; đổi mới, đa dạng nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, sử dụng các thiết chế văn hóa.
– Thực hiện quy trình bình xét, công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Làng văn hóa, Cơ quan văn hóa thực chất, đi vào thực tế cuộc sống.
– Hà Nội đi đầu trong việc thực hiện Nếp sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội tại địa phương.
3. Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, phối hợp các ngành, các cấp, tổ chức chính trị – xã hội Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện kiên trì, bền bỉ nhằm đưa 02 bộ quy tắc ứng xử thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nếp sống trong sinh hoạt, công tác hàng ngày của cán bộ, nhân dân Thủ đô.
4. Nghiên cứu, tham mưu, lựa chọn tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao lớn, đặc trưng, tiêu biểu của Thủ đô và đất nước, đưa các sự kiện văn hóa, thể thao đẳng cấp khu vực và Thế giới tổ chức tại Hà Nội nhằm thúc đẩy ngành Công nghiệp Văn hóa và Du lịch phát triển: Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert; Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội; Lễ hội bơi chải thuyền rồng thành phố Hà Nội mở rộng; Giải Marathon quốc tế; hoạt động giao lưu quốc tế; Giải Tennis quốc tế…
5. Lĩnh vực Thể dục Thể thao:
– Chú trọng phát triển Thể thao cho mọi người, trong đó TDTT trường học làm trọng tâm là cơ sở nâng cao tầm vóc, thể chất con người Thủ đô trong tương lai và là nơi tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng Thể thao thành tích cao.
– Tập trung đầu tư cho những bộ môn thể thao trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD có trọng tâm, trọng điểm, chiến lược dài hạn; trước mắt là tập trung chuẩn bị lực lượng vận động viên thi đấu, đạt thành tích cao tại ASIAD – Indonesia năm 2018; chuẩn bị cơ sở vật chất, lực lượng huấn luyện viên, vận động viên tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018; tham mưu chuẩn bị đăng cai SEA Games 31 và PARA Games 11 năm 2021.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở cũng đã nêu ra một số đề xuất, kiến nghị về công tác chuyên môn, về cơ chế chính sách để phát triển nguồn nhân lực và đầu tư về cơ sở vật chất, cụ thể như: bảo hiểm xã hội, tai nạn nghề nghiệp dành cho vận động viên; chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ; đầu tư, cải tạo, nâng cấp Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, rạp Chuông Vàng; triển khai đề án phát triển công nghệ thông tin phục vụ thư viện điện tử; nhất thể hóa chủ thể di sản Hoàng Thành Thăng Long, phân cấp chức năng quản lý các di tích Quốc gia cho Hà Nội….
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao đổi với văn nghệ sĩ Thủ đô
Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị. Thay mặt lãnh đạo Thành ủy, đồng chí biểu dương cán bộ, công chức, viên chức, văn nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên đã có nhiều đóng góp cho thành tích chung của thành phố trong nhiều năm qua.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần tập trung giải quyết 8 hạn chế và tồn tại đã nêu, trong đó cần khắc phục ngay hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý di tích, tập trung cho công tác thể thao học đường. Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần quan tâm rà soát, đánh giá khả năng hoàn thành và khả năng vượt chỉ tiêu. Tập trung xây dựng các mô hình văn hóa, đặc biệt là gia đình văn hóa, xây dựng kế hoạch triển khai để đưa 02 bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống, trở thành nét đẹp hàng ngày; tiếp tục đầu tư cho các thiết chế văn hóa; tiếp tục bảo tồn, phát huy và tôn tạo các di tích; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo; đề xuất với HĐND thành phố cơ chế đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ; tập trung triển khai đề án trưng bày Bảo tàng…
Thanh Mai