Từ một mô hình hiệu quả
Với diện tích hơn 300 m2, nhiều trang, thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa, hội họp…, NVH thôn Ðoài (xã Nam Hồng, huyện Ðông Anh) là một trong những NVH rộng rãi, đẹp và đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Kể từ khi được xây dựng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, NVH vẫn chỉ là nơi diễn ra các cuộc họp hành, thi thoảng mới có các buổi biểu diễn văn nghệ, chủ yếu vào các dịp kỷ niệm hay khi có hội nghị… Nhiều người thấy tiếc khi cơ ngơi NVH thì to, mà các hoạt động lại không xứng tầm.
Nhưng thời gian gần đây, hoạt động của NVH đã có nhiều thay đổi, khi Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát huy di sản văn hóa thực hiện Ðề án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho NVH thôn trên địa bàn TP Hà Nội” tại thôn Ðoài, xã Nam Hồng. Khi triển khai đề án, bản thân người dân trong thôn cũng rất tò mò, không hiểu sẽ có những hoạt động mới mẻ gì. Khi được các nhà nghiên cứu hướng dẫn, mọi người mới vỡ lẽ, chính nhân dân là “vốn” văn hóa mà lâu nay không biết. Vấn đề là làm sao khai thác cái “vốn” ấy để làm giàu cho hoạt động văn hóa quê hương. Từ sự tư vấn, gợi ý của các chuyên gia, Hội Cựu chiến binh thôn Ðoài đã thành lập Câu lạc bộ Di sản và ký ức; các tổ chức xã hội khác cũng thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật truyền dạy nghệ thuật hội họa cho thiếu niên và dạy làm hoa cho người lớn tuổi, Câu lạc bộ văn nghệ dân gian, Câu lạc bộ khiêu vũ… Tính ra, các câu lạc bộ đã thu hút hàng trăm hội viên tham gia.
Vẫn những con người ấy, vẫn cơ sở vật chất ấy, nhưng hoạt động của NVH thôn Ðoài đã thay đổi hoàn toàn. Các câu lạc bộ thay nhau hoạt động, khiến NVH lúc nào cũng sôi nổi. Thí dụ như Câu lạc bộ Di sản và ký ức. Trước đây, các cựu chiến binh có nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học thú vị cũng chỉ biết kể cho nhau hoặc kể cho con cháu nghe. Ít ai nghĩ những cựu chiến binh bình dị, nay đã về địa phương tăng gia sản xuất lại có một quá khứ oai hùng với những kỷ niệm của một thời hoa lửa qua những câu chuyện kể của họ. Chính vì vậy vừa qua, Câu lạc bộ Di sản và ký ức đã động viên ba cựu chiến binh kể về những trận đánh, những chuyến quy tập hài cốt liệt sĩ mà họ từng trải qua. Buổi nói chuyện khiến lớp trẻ hiểu thêm về những hy sinh, mất mát to lớn mà những người lính đã trải qua trong chiến tranh. Ông Nguyễn Văn Ðể, Trưởng thôn Ðoài cho biết, trước đây NVH thôn Ðoài cũng duy trì một số hoạt động nhưng từ ngày có sự giúp đỡ của các nhà nghiên cứu văn hóa, các hoạt động sôi nổi hẳn và trở thành hoạt động thường xuyên.
Tìm biện pháp nâng cao chất lượng tổng thể
Hiện tại, trên địa bàn thành phố, có 2.094 thôn trong tổng số 2.539 thôn ở ngoại thành có NVH. Ở khu vực nội thành, tỷ lệ này còn rất thấp, mới có 1.491 tổ dân phố có NVH, trong tổng số 5.412 tổ dân phố. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở số lượng, mà chủ yếu nằm ở chất lượng, phương thức hoạt động của NVH. Các NVH ở khu vực nội thành phần lớn chỉ là những nơi để hội họp khi tổ dân phố có việc. Theo khảo sát Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mới công bố, có đến 34% số NVH tổ dân phố tổ chức hoạt động mỗi tháng một lần.
Hiện có rất ít nhà văn hóa có cơ sở vật chất tốt như NVH thôn Ðoài. Nhưng từ hiệu quả hoạt động của thôn Ðoài, nhất là khi các câu lạc bộ tự hoạt động không cần xin kinh phí, có thể thấy, mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng. Hiện tại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã xây dựng đề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở”. Ðề án được triển khai từ nay đến năm 2020. Trong đó, lần đầu tiên, hai vấn đề được nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng là nhân lực và nội dung hoạt động. Tại những địa bàn còn “trắng” NVH, thành phố sẽ cố gắng xây dựng những NVH đạt chuẩn, có không gian như một hội trường đa năng; có thể có thêm những phòng nhỏ để thỏa mãn các chức năng hoạt động khác nhau cho các nhóm sở thích hay câu lạc bộ khác nhau. Về tổ chức hoạt động, theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong tương lai gần, cần tách trưởng thôn, tổ trưởng dân phố ra khỏi vị trí kiêm nhiệm phụ trách NVH, lập chức danh chủ nhiệm NVH và nghiên cứu xây dựng chế độ cho phù hợp. Về nhân lực, có thể tận dụng nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Với kiến thức học được tại các trường đại học, sinh viên có thể đem lại nhiều hoạt động mới mẻ, hữu ích cho NVH. Bên cạnh đó, cần chú trọng đội ngũ cán bộ hưu trí về hưu tại địa phương, nhất là cán bộ có trình độ và có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó, chú trọng tìm giải pháp thu hút hoạt động của thanh niên tình nguyện trong đổi mới hoạt động của NVH. Thành phố cũng xây dựng cơ chế chính sách để huy động các lực lượng tham gia xây dựng trung tâm thể thao xã, NVH thôn…
Ðề án “Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở” mới ở giai đoạn bước đầu. Nhưng khi có nhận thức mới về hoạt động của NVH cơ sở, với nhiều đề xuất thiết thực, bổ ích; cùng với đó, đề án “Nghiên cứu, khảo sát thực hiện thí điểm mô hình tổ chức, hoạt động mới cho NVH thôn trên địa bàn TP Hà Nội” sẽ được mở rộng trên địa bàn, có thể thấy, hoạt động của NVH cơ sở sẽ có nhiều bước đổi mới trong thời gian tới.