Ngày 5/8, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện các NQ của HĐND Thành phố triển khai Luật Thủ đô và rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính
Theo đó, trong 3 năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai công tác thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết bằng việc tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Thủ đô. Công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nội dung của Luật và văn bản triển khai được thực hiện nghiêm túc bằng các hình thức như tổ chức các hội nghị đánh giá, biên soạn, phát hành tài liệu, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phim tài liệu, tuyên truyền tập trung vào các chuyên đề trọng tâm, trọng điểm của ngành Văn hóa và Thể thao như: bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; thực hiện quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa; chủ động thực hiện chính sách trọng dụng, thu hút nhân tài; tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao giữa Hà Nội với các Thành phố, Thủ đô các nước trên thế giới.
Sau 3 năm thi hành, Luật Thủ đô và các NQ của HĐND Thành phố, kế hoạch của UBND Thành phố đã tạo cơ chế, chính sách đặc thù, mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng và phát triển, quản lý Thủ đô nói chung và lĩnh vực văn hóa, thể thao nói riêng, đặc biệt là trong nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: phát triển kinh tế xã hội gắn liền với phát triển văn hóa được chú trọng; hệ thống di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn, tôn tạo; nhiều công trình thuộc hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng mới và hoạt động ngày càng hiệu quả; nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị mới ra đời; chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dược nâng cao; văn hóa cổ truyền, dân gian được bảo tồn, kế thùa và phát huy… Công tác xã hội hóa tiếp tục phát huy hiệu quả, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, các nhân trong công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố, đặc biệt trong việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích.
Đặc biệt, với công tác quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội, Sở VHTT đã hoàn thành công tác điều tra cơ sở thực hiện đề án “Tổng kiểm kê di tích toàn thành phố”. Theo đó, tính đến tháng 11/2015, tổng số di tích toàn Thành phố Hà Nội là 5.922 di tích trong đó có khoảng 2.396 di tích được xếp hạng: 01 di tích được công nhận là Di sản thế giới; 12 di tích quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích cấp quốc gia; 1.202 di tích cấp Thành phố. Tính từ năm 2009 đén tháng 11/2015, có khoảng 400 di tích được xếp hạng. Trong 2 năm 2013-2014 đã có thêm 08 di tích, danh thắng của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.
Về việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Sở VHTT Hà Nội đã hoàn thành công tác kiểm kê, cập nhật kết quả, lập danh mục, xác định số lượng, đánh giá sức sống, nhận diện các thách thức, nguy cơ và đề xuất các biện pháp brao vệ phù hợp đối với một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể hiện có trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm 1.793 di sản (tính đến tháng 12/2015).
Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, ông Trương Minh Tiến cũng cho biết thêm về vấn đề rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Sở VHTT có tất cả 67 thủ tục, đã tiến hành đơn giản hóa được 22 thủ tục (trong đó 21 thủ tục thuộc lĩnh vực thể thao, 1 thủ tục thuộc lĩnh vực văn hóa) đạt tỷ lệ 32% vượt mức trung bình Thành phố giao là 30%.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các quận, huyện cũng đưa ra những khó khăn, bất cập trong đó nổi cộm là vấn đề xã hội hóa trong việc tu bổ, tôn tạo các di tích do chưa có cơ sở để đánh giá tác động của chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố. Cùng với đó là việc mong muốn Bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng sớm được phê duyệt và đi vào thực tiễn nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử chưa phù hợp, góp phần xây dựng Thủ đô hướng đến một thành phố thanh lịch, văn minh và hội nhập quốc tế.
Thúy Nga
Theo MaskOnline