Sáng 16/6, xã Ngọc Liệp (huyện Quốc Oai) long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Thành phố đình Đồng Bụt.
Đình Đồng Bụt thờ Tam Vị thành hoàng là: Đệ Nhất Linh Khê Đại vương, Đệ Nhị Linh Khê Đại vương, Đệ Tam Linh Khê Đại vương. Tam vị Đại vương là con của Chiêu Công, mẹ là Kim Nương, là hoàng thân quốcthích trong triều, đời Hùng Vương thứ 6. Tam vị Đại vương học giỏi, thông minh, tài trí khác người nên đã được Vua Hùng triệu vào kinh nuôi dạy, ăn học. Lớn lên, Tam vị đã cùng với Phù Đổng Thiên Vương phò giúp vua Hùng, dẹp tan giặc Ân, cứu nước. Dẹp xong giặc Ân, ba ngài khước từ bổng lộc, chức tước mà xin đức Vua cho 3 anh em về tại cung sở Đại phu chốn cũ để giúp dân, mở mang dân trí, luyện võ, đánh vật, cấy trồng làm ăn, rồi các ngài hóa ở Hao Khê, núi Tản viên. Sau khi 3 vị qua đời, nhân dân quanh vùng, dọc theo dải ven sông Tích đều lập đền thờ, trong đó có làng Đồng Bụt.
Thành hoàng thờ tại di tích đình Đồng Bụt là những người có công với nước, với dân, giúp dân đánh đuổi giặc ngoại xâm và bảo hộ, phù trì cho nhân dân được ấm no, mùa màng tốt tươi, cuộc sống bình yên, tốt đẹp. Công danh, hành trạng và hình tượng, sự tích về Đức Thánh được ghi lại trong sử sách và tiềm thức của nhân dân địa phương.
Đình Đồng Bụt là một di tích gắn bó mật thiết với đời sống cư dân nơi đây. Ngôi đình mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần khẳng định bề dày truyền thống văn hóa, thể hiện ở một cơ cấu tổ chức làng xã hoàn chỉnh, với những thiết chế tốt đẹp còn lưu giữ lại đến hôm nay. Ngôi đình ở vị trí thoáng đãng, mang đậm không gian văn hóa truyền thống cùng với ngôi Chùa Thiền sư và các di tích trong thôn. Di tích đình Đồng Bụt, sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch trong tổng thể hệ thống các di tích trong vùng.
Lễ hội diễn ra hàng năm tại di tích như: ngày sinh Thành hoàng 12/5 âm lịch, ngày hóa 10/7 âm lịch, ngày Hạ Điền 28/10 âm lịch, ngày Lễ Đại khánh – ngày Đinh tháng 2 và tháng 8 âm lịch… cũng là một hoạt động văn hóa dân gian hướng về nguồi cội, tưởng nhớ công lao của các vị Thần, Thành hoàng đối với nhân dân và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Hiện đình làng còn lưu giữ các di vật gỗ như: long ngai, bài vị, kiệu bát cống. Trên các hiện vật này đều được trang trí, chạm khắc đẹp, có giá trị nghệ thuật, trải dài từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Thông qua các hiện vật phản ánh tài năng sáng tạo nghệ thuật, điêu khắc truyền thống của những nghệ nhân đương thời.
Những hiện vật này góp phần vào công tác khai thác, tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử địa phương. Bên cạnh đó, còn là nguồn tư liệu quý về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật trang trí, giúp cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về lịch sử văn hóa, nghệ thuật của vùng đất nơi đây.
Ghi nhận giá trị nổi bật, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, ngày 6/12/2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6232/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố đối với đình Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân địa phương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.
Đình Đồng Bụt được xếp hạng di tích lịch sử không chỉ là sự tôn vinh và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Ngọc Liệp và thôn Đồng Bụt. Đồng thời, ghi nhận những đóng góp của các thế hệ nhân dân Đồng Bụt trong việc gìn giữ, phục dựng di tích, là kết quả của sự kế thừa, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Văn Lâm