Tin tức - Sự kiện

Dòng chảy ngầm của văn hóa đọc

Không nằm ở vị trí đắc địa, không ồn ào với những mặc cả bán – mua, những cửa hàng sách cũ trên các con ngõ nhỏ, phố nhỏ vẫn thu hút lượng khách quen thân thiết hàng ngày. Thú sưu tầm sách cũ ấy vẫn là nét văn hóa đẹp còn lưu lại chốn […]

Không nằm ở vị trí đắc địa, không ồn ào với những mặc cả bán – mua, những cửa hàng sách cũ trên các con ngõ nhỏ, phố nhỏ vẫn thu hút lượng khách quen thân thiết hàng ngày.
Thú sưu tầm sách cũ ấy vẫn là nét văn hóa đẹp còn lưu lại chốn Hà thành náo nhiệt hôm nay.
Những giá trị xưa
Người bạn từ Sài Gòn nhờ mua hộ 2 cuốn tiểu thuyết lịch sử “Câu thơ yên ngựa” của Lê Hoàng Yến và “Bóng nước Hồ Gươm” của Chu Thiên. Lang thang khắp các cửa hàng sách cũ, cuối cùng tôi cùng tìm được hai cuốn hiếm hoi đó. Nhưng tôi hiểu thêm, thú sưu tầm sách cũ không chỉ thu hút người già, mà nhiều bạn trẻ cũng say mê. Họ tựa như những nhà sưu tầm, tỉ mẩn trước những giá trị vượt thời gian.
Hà Nội có những con phố chuyên bán sách cũ như Láng, Nguyễn Viết Xuân, Lương Thế Vinh… hay những cửa hàng sách cũ “ẩn mình” trong các con ngõ Lê Thanh Nghị, Bà Triệu, Ngô Thì Nhậm. Những người mê sách cũ không chỉ trân trọng kiến thức trong cuốn sách, mà còn nâng niu giá trị vượt thời gian. Lang thang trong những cửa hàng bán sách cũ, tìm được cuốn sách yêu thích năm xuất bản đầu tiên, người ta sẽ mua bằng được dù cho tủ sách ở nhà không thiếu cuốn tái bản.

Muốn tìm một cuốn sách cũ, đến số 5 Bát Đàn là một địa chỉ mà người mê sách cũ không thể bỏ qua. Giữa ồn ào phố xá, hiệu sách cũ của ông Cảnh, bà Mão khá giản dị, người mua nhiều lúc không tìm được cuốn sách cần tìm, nhưng vẫn vui vẻ ra về vì giữa người bán – kẻ mua đã có những cuộc chia sẻ niềm đam mê chung. Tôi đến hiệu sách ấy, ấn tượng bởi không gian yên tĩnh và hình ảnh bà Mão từ tốn, điềm đạm bên tủ kính xếp đầy sách. Những cuốn sách đã ngả màu thời gian, nhưng được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Theo ước tính của bà Mão, căn nhà cất giữ gần 10 tấn sách.
Hiệu sách cũ nằm trên phố Bà Triệu cũng khá “đình đám” trong giới yêu sách. Với tấm biển cũ kĩ, nếu không để ý sẽ chẳng ai biết đây là điểm đến của những người mê sách cũ. Hỏi đến ông Dư bán sách thì cả phố Bà Triệu không ai là không biết đến. Ông được gắn với biệt hiệu “vua sách cũ” khi hơn 40 năm gắn bó với những cuốn sách xỉn màu. Nếu ai đó lần đầu bước vào cửa hàng sách cũ này đều choáng ngợp trong không gian sách đồ sộ, sách xếp chồng chất cao tận trần nhà, chỗ nào cũng la liệt những cuốn sách đã ngả màu xưa cũ. Khi khách vào tìm, ông sẽ hỏi khách cần cuốn gì, lĩnh vực nào, rồi tìm đúng vị trí trong chồng sách cao ngút kia, rút ra phủi bụi và đưa cho khách. Người ta nói, ông có một cái đầu như cuốn bách khoa toàn thư, ông nhớ vị trí từng cuốn sách trong “biển sách” ấy. Đọc sách là niềm đam mê, yêu thích được khám phá thế giới tri thức, chính vì thế, mỗi cuốn sách trong kho sách của mình ông đều có thể tóm lược nội dung, năm xuất bản… Những người yêu sách cũ không còn lạ lẫm với phong cách ông Dư, họ lui tới thường xuyên, tìm đến ông như tìm đến những giá trị xưa cũ.
Mạch ngầm tuôn chảy
Bể học là vô tận, người ta có thể học ở giữa đời, học từ những con người nhưng đối với sách, luôn là một kho tàng khổng lồ. Những con người bán sách như ông Cảnh, bà Mão hay ông Dư vẫn luôn lưu giữ những giá trị muôn đời trong từng cuốn sách, bởi họ có cái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Nhiều người đã từng lo lắng, văn hóa đọc ngày càng mờ nhạt. Điều đó có thể đúng. Cuộc sống tấp nập, vội vã đang cuốn đi những quỹ thời gian quý báu của mỗi người và thời gian dành cho sách ngày càng ít đi. Nhưng những hiệu sách cũ ở Hà Nội vẫn như sự chứng thực rằng, văn hóa đọc vẫn là mạch ngầm tuôn chảy.
Hằng năm, Hà Nội tổ chức Hội sách cũ Hà Nội, đại hội sách cũ, hội sách mùa Thu… thu hút đông đảo độc giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ trẻ đến già. Để thấy được rằng, sách cũ vẫn là một chân trời văn hóa, một bến bờ kiến thức mà nhiều người kiếm tìm. Những hiệu sách cũ dù mộc mạc, giản dị, nhuốm màu thời gian nhưng ở đó vẫn là những giá trị khó đo đếm được bằng bạc tiền, là điểm đến cho những người yêu sách.

Theo Báo KTĐT

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *