Nhiều năm trở lại đây, Hà Nội liên tục được các tổ chức báo chí du lịch quốc tế đánh giá cao, đứng trong nhóm các thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2022, Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng du lịch Thế giới (WTA) bình chọn là “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022. Hoạt động du lịch của Thành phố cũng được đánh giá là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022.
Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, cùng khối lượng di sản văn hóa hấp dẫn, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, con người giàu lòng mến khách, thanh lịch, văn minh; Hà Nội được đánh giá là Thành phố có tài nguyên văn hóa độc đáo nhất trong cả nước, đặc sắc trong khu vực và trên thế giới. Tài nguyên văn hóa của Thủ đô được thể hiện nổi bật trên 04 khía cạnh: di tích – di sản, văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực và nghệ thuật dân gian.
Du khách quốc tế tham quan Hà Nội
Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phụ trợ cho hoạt động du lịch văn hóa đang từng bước được xây dựng đồng bộ, chất lượng, chuyên nghiệp. Tính đến tháng 3/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với trên 70.000 phòng; trong đó có 591 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-5 sao với trên 24.000 phòng, chiếm 15,9% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn. Có 1.236 doanh nghiệp lữ hành đăng ký hoạt động trên địa bàn. Hạ tầng xã hội phục vụ du lịch được quan tâm, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch được đầu tư; xây dựng. Thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, như xây dựng hệ thống wifi miễn phí tại các khu, điểm tham quan du lịch. Theo đó, Hà Nội có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Thực hiện Chương trình 06- CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021- 2025”, Hà Nội đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác. Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề bảo đảm các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, hấp dẫn, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm, sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ trên cơ sở khai thác các giá trị truyền thống của Thủ đô được triển khai, như: Sản phẩm du lịch đêm với chủ đề “Đêm thiêng liêng” tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long” tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, sản phẩm du lịch văn hóa kết hợp chăm sóc sức khỏe tại khu vực Đền Sóc, sản phẩm du lịch đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour du lịch văn học “Chữ Tâm Chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam hay những chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian như ca trù, hát xẩm, chầu văn… tại không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây.
Để nâng cao chất lượng, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn, có thương hiệu, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3928/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Hà Nội- Đến để yêu
Cùng với đó ngành Du lịch đã được Thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển du lịch như: Hợp tác kích cầu, phát triển du lịch. Tổ chức chuỗi các hoạt động quảng bá du lịch gắn với giao lưu văn hóa, thu hút đối tượng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như: “Du lịch Hà Nội chào 2022” – Get on Hanoi 2022, “Du lịch Hà Nội chào 2023” – Get on Hanoi 2023; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội; Lễ hội Áo dài Hà Nội; Hội chợ du lịch quốc tế VITM – Hà Nội; Chương trình Hành trình Hữu Nghị. Tổ chức chương trình, Hội nghị kết nối khu, điểm du lịch và doanh nghiệp lữ hành. Xây dựng và tuyên truyền hình ảnh du lịch Hà Nội trên: Kênh truyền hình VTV, S Vietnam; Ẩm thực đường phố; Chuyển động 24h; HanoiTV, FM du lịch Hà Nội, trang tin, báo điện tử, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook), kênh truyền hình CNN Quốc tế… Xây dựng một số sản phẩm mới phục vụ phát triển du lịch; các điểm đến du lịch gắn với di sản – di tích, làng nghề. Chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch mới và xây dựng thêm nhiều sản phẩm ra mắt mang đến sự độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội như: khám phá Hà Nội bằng xe đạp “VGreen bike tour”, Hà Nội 36 phố phường, Thăng Long tứ trấn…
Tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa lợi ích, đảm bảo lợi ích cho cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho nguồn nhân lực tại chỗ. Tiếp tục khai thác các không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ; phát triển dịch vụ du lịch gắn với quản lý, bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến; tổ chức tốt các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa – nghệ thuật dân gian…. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành liên kết với các đơn vị điểm đến di tích – di sản triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng khoa học – công nghệ trên nền các sản phẩm du lịch truyền thống…nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội.
Bảo Trân