Được UNESCO công nhận là Thành phố Hòa bình năm 1999 và một lần nữa là Thành phố Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, Hà Nội cam kết đưa văn hóa và sự sáng tạo làm cốt lõi của sự phát triển bền vững, với một tầm nhìn lớn hơn là trở thành một trung tâm sáng tạo hàng đầu của Đông Nam Á.
Nỗ lực đóng góp cùng Hà Nội đạt được mục tiêu đó, sáng 8/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn “Hà Nội – Thủ đô sáng tạo”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành Kinh đô sáng tạo” do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Chương trình Nhân cư Liên Hiệp Quốc (UN-Habitat) và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) phối hợp tổ chức.
Hội thảo tham vấn “Hà Nội – Thủ đô sáng tạo” thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan các bộ, ban ngành, TP Hà Nội, các chuyên gia trong nước, quốc tế và khu vực tư nhân, tạo cơ hội giúp các bên liên quan có cái nhìn tổng quan về thành phố sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về khả năng hợp tác hướng tới tầm nhìn Kinh đô sáng tạo cho Hà Nội.
Là nơi sinh sống của khoảng tám triệu dân, thủ đô Hà Nội đại diện cho một nền văn hóa đa tầng với nội tại sáng tạo. Tiêu biểu là kho tài nguyên văn hóa phong phú với hàng nghìn di sản, 1.350 làng nghề truyền thống, cộng đồng nhà thiết kế, nhà sáng tạo và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố.
Được UNESCO công nhận là Thành phố Hòa bình năm 1999 và một lần nữa là Thành phố Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, Hà Nội cam kết đưa văn hóa và sự sáng tạo làm cốt lõi của sự phát triển bền vững, với một tầm nhìn lớn hơn là trở thành một trung tâm sáng tạo hàng đầu của Đông Nam Á.
Chính vì vậy, Hội thảo tham vấn “Hà Nội – Thủ đô sáng tạo” tập trung vào 3 mũi nhọn giúp củng cố, phát triển kinh đô sáng tạo, là: Tái tạo đô thị, phát triển mạng lưới giáo dục thúc đẩy sáng tạo, đẩy mạnh các sự kiện văn hóa chiến lược. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thảo luận các phương pháp tiếp cận để tăng cường quan hệ đối tác các bên trong các ngành công nghiệp sáng tạo, cải thiện mối liên kết nông thôn – thành thị và các điều kiện cần thiết để nuôi dưỡng sức sáng tạo.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc tại Việt Nam Michael Croft chia sẻ: Thành phố sáng tạo vừa là câu chuyện phát triển của thành phố, vừa là không gian hợp tác hướng tới tầm nhìn kinh đô sáng tạo. Nhiều tổ chức và cá nhân đã chờ đón cơ hội này để khám phá những con đường khai mở tài năng, nuôi dưỡng nhiệt huyết cho những ý tưởng sáng tạo và đổi mới.
Còn theo Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc UN-Habitat tại Việt Nam Nguyễn Quang, đổi mới sáng tạo phải lấy mục tiêu phát triển bền vững làm trung tâm, trong đó con người sống và kết nối với hệ sinh thái. Tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sống của người dân, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tạo ra một cộng đồng gắn kết hài hòa, an toàn và bình đẳng,… chính là những mục tiêu tối thượng. “Để hoạt động đổi mới sáng tạo được thành công, cần có sự cam kết tham gia và hỗ trợ của chính quyền để có một môi trường tự do tư duy sáng tạo và sự đa dạng của văn hóa”, ông Nguyễn Quang nhấn mạnh.
Với nỗ lực cùng Hà Nội hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trong vai trò là một Thành phố sáng tạo, UNESCO, UNIDO và UN-Habitat đã và đang hợp tác với nhiều đơn vị cùng phát triển Dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành Kinh đô sáng tạo”. Mục tiêu là phát huy các tài sản văn hóa của Hà Nội và tăng cường sự tham gia của giới trẻ. Sau Hội thảo tham vấn “Hà Nội – Thủ đô sáng tạo”, các đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hai sự kiện tiếp nối là Đối thoại Thanh niên và Hội thảo Mạng lưới thanh niên. Chuỗi hội thảo này được kỳ vọng cùng tạo nền tảng vững chắc để tất cả các bên tham gia tích cực, cùng chia sẻ kiến thức và cách tiếp cận để hiện thực hóa tầm nhìn Kinh đô sáng tạo Hà Nội và các ưu tiên quốc gia làm cơ sở cho tầm nhìn đó.
Thúy Nga