Sáng 16/01, UBND quận Cầu Giấy tổ chức Lễ gắn biển tên phố Hạ Yên Quyết, Nguyễn Thị Duệ nằm trên địa bàn phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy và đường Đặng Công Chất nằm trên địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Phố Hạ Yên Quyết được đặt tên cho đoạn từ ngã tư giao cắt phố Trung Kính và Mạc Thái Tổ đến ngã ba giao cắt tại di tích đình Hạ Yên Quyết, có chiều dài khoảng 400m.
Hạ Yên Quyết là ngôi làng cổ có tên Nôm là Kẻ Cót nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Năm 1978, đã phát hiện các hiện vật khảo cổ học có niên đại khoảng 2000 năm trong lòng đất. Tại đây hiện còn ngôi đình kiến trúc thời Nguyễn thờ 5 vị thần, trong đó, có Cao Sơn đại vương, thần bản thổ, chùa Ngọc Quán, dựng năm Dương Hòa 8 (1642). Làng Cót cũng nổi tiếng là Làng khoa bảng với 10 Tiến sĩ Nho học, gần 30 Hương cống thời Hậu Lê, 9 Cử nhân thời Nguyễn. Ngày nay, Hạ Yên Quyết (làng Cót) vẫn giữ nghề làm giấy vàng mã, vốn được phát triển từ thời Lý – Trần cùng với Thượng Yên Quyết chuyên làm giấy dó.
Phố Nguyễn Thị Duệ được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính tại ngõ 219 đến ngã ba giao cắt phố Nguyễn Quốc Trị tại Tòa A6D khu tái định cư Nam Trung Yên, có chiều dài 791m.
Danh nhân Nguyễn Thị Duệ (1574-1654), tên hiệu là Diệu Huyền, người ở Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Là một người hiếu học, song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để dự việc đèn sách. Khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1594) bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20. Đến khi mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung gạn hỏi và khám phá ra bà là gái giả trai. Bà cải trang đi thi như thế là phạm tội khi quân, nhưng vua Mạc không những không trừng phạt mà còn khen ngợi bà, sau đó, mời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi bà được tuyển làm phi. Năm 1592, chúa Trịnh Tùng đem quân đánh chiếm Thăng Long, nhà Mạc chạy lên Cao Bằng, Nguyễn Thị Duệ cùng gia đình đi theo. Năm 1625, quân Lê – Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc, Nguyễn Thị Duệ bị bắt. Cảm mến tài năng, chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ. Tương truyền, bà là nữ Tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Khoa bảng Việt Nam.
Đường Đặng Công Chất là đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Hà Huy Tập tại số 518 và Cửa hàng xăng dầu Yên Viên, đến ngã ba giao cắt đường Dương Hà. Đường có chiều dài 1.900m, rộng 43m, nằm trên tuyến đường Yên Viên – Đình Xuyên – Phù Đổng.
Trạng nguyên Đặng Công Chất (1621 – 1683) là người làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) thời vua Lê Thần Tông. Năm Cảnh Trị thứ 3 (1665), ông khi đó đang là Hàn lâm viện thị giảng được thăng làm Công bộ hữu thị lang. Năm 1670, ông đang làm Lại bộ hữu thị lang đã cùng Lễ bộ tả thị lang Nguyễn Quốc Khôi vào hầu kinh điện. Năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676), ông được vua Lê Hy Tông phong làm Lại bộ tả thị lang. Sau đó, ông làm quan đến Thượng thư Bộ Binh, Bộ Hình, từng đi sứ nhà Thanh. Lúc mất được tặng Thái bảo, Thượng thư Bộ Lại, tước bá. Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá ông là người có tài cao, đức trọng và đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước cuối thế kỷ XVII. Nhà thờ Trạng nguyên Đặng Công Chất hiện ở huyện Gia Lâm, đã được xếp hạng cấp Quốc gia vào ngày 3/8/2007.
Tại buổi lễ, lãnh đạo các địa phương đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền về truyền thống lịch sử làng Hạ Yên Quyết; thân thế, sự nghiệp, công lao đóng góp của danh nhân Nguyễn Thị Duệ, của Trạng nguyên Đặng Công Chất tới các tầng lớp nhân dân. Kêu gọi, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang đô thị, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường góp phần để tuyến phố ngày càng sạch, đẹp, văn minh, xứng đáng mang tên địa danh, các danh nhân tiêu biểu trong lịch sử dân tộc và sự phát triển của đất nước.
PV (T/h)