Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn (chùa Hương – huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm vui và tự hào của chính quyền, nhân dân địa phương […]
Chùa Hương luôn là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Nam Khánh |
Là một trong những điểm di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (còn gọi là chùa Hương) được phát hiện vào thời Vua Lê Thánh Tông (1460-1469) bởi ba vị hòa thượng trên đường tìm kiếm nơi tu hành. Bên cạnh cảnh sắc thiên tạo hiếm có, như: Suối Yến, động Hương Tích, động Tiên Sơn, suối Giải Oan…, quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn còn nổi tiếng nhờ hệ sinh thái đa dạng, các công trình kiến trúc, lịch sử đặc biệt giá trị là đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Cửa Võng… Đây cũng là nơi diễn ra mùa lễ hội lớn và kéo dài nhất trong cả nước, thu hút hàng triệu lượt du khách hành hương, chiêm bái. Những điều này đã góp phần tạo nên danh xưng “Nam thiên đệ nhất động” cho quần thể di tích, được lưu truyền tới ngày nay.
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài khẳng định, cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc văn hóa lịch sử độc đáo của quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn không chỉ xứng tầm quốc gia mà còn ở tầm cấp thế giới. Với những giá trị độc đáo này, di tích cần được quan tâm, đầu tư để ngày càng phát huy hiệu quả.
Xác định được điều này, nhiều năm nay, chính quyền và nhân dân huyện Mỹ Đức luôn tích cực, chủ động trong việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, cùng với nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa, địa phương đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích; duy tu, bảo dưỡng, xây dựng và nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, thông thoáng, đón du khách về vãng cảnh.
Cùng với đó, trước và trong thời điểm diễn ra lễ hội, huyện chủ động tổ chức các lớp trang bị kiến thức về tổ chức lễ hội, Luật Di sản văn hóa, kỹ năng phục vụ… cho nhân dân địa phương; tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, quản lý chặt chẽ dịch vụ, thương mại trong quần thể di tích theo hướng văn minh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm và vai trò của du khách trong việc giữ gìn môi trường văn hóa, tự nhiên và xã hội trong lễ hội, hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Nhà nước…
Phó Trưởng ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho hay: Những nỗ lực trên không nằm ngoài mục đích gìn giữ nguyên vẹn nét đẹp truyền thống của lễ hội chùa Hương, bảo đảm mùa lễ hội tiết kiệm, văn minh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân đến với di tích.
Phát huy giá trị di sản gắn với du lịch
Bảo đảm an ninh trật tự, văn minh mùa lễ hội là một trong nhiều nhiệm vụ mà Đảng ủy, UBND huyện Mỹ Đức đề ra nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn. Cùng với đó, huyện Mỹ Đức sẽ tập trung khai thác các giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu cho biết: Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó huyện Mỹ Đức nằm trong cụm phát triển du lịch Hương Sơn – Quan Sơn với các sản phẩm du lịch chính, gồm: Du lịch văn hóa tâm linh lễ hội; du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần và sinh thái; du lịch thể thao cao cấp với các sản phẩm golf, thể thao nước; du lịch văn hóa… Đây không chỉ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong những năm tới mà còn là cách phát huy hiệu quả danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt của quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn.
Cụ thể, trong thời gian tới, huyện Mỹ Đức xác định không gian lễ hội chùa Hương là trung tâm thu hút và lan tỏa chuỗi sản phẩm du lịch kết nối với các điểm du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống khác trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu tâm linh, vãng cảnh, ẩm thực, nghỉ dưỡng của du khách; tập trung đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng du lịch cho nhân dân địa phương… Cùng với đó, huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường kết nối với các cụm, vùng, điểm, tuyến du lịch trên địa bàn thành phố, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, nhất là trục tâm linh Bái Ðính – chùa Hương – Ba Vì – Hồ Tây; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân để xây dựng các tour du lịch chuyên nghiệp phục vụ du khách… từng bước xây dựng Mỹ Đức thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch của thành phố.
Hy vọng, với những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, vị thế của quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn sẽ ngày càng được củng cố hơn trong lòng du khách, phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho muôn đời sau.
Theo Báo Hànộimới