Sáng 22/11, tại Phủ Tây Hồ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức gặp mặt các nghệ nhân, những người làm di sản trên địa bàn thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2020).
Hà Nội là một trong số ít các Thủ đô, thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Trải qua hơn 1.000 năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội trở thành mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa, sức mạnh dân tộc, toả sáng hình ảnh đất nước một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất. Là trái tim của cả nước – Hà Nội là nơi kết tinh và lan toả bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hoà bình của con người Việt Nam.
Hà Nội là địa phương có nhiều nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý, với 7 nghệ nhân nhân dân, 69 nghệ nhân ưu tú. Đây là những nghệ nhân có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô.
Đại diện cho các nghệ nhân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực ca trù Ngô Văn Đảm xúc động chia sẻ cảm xúc trong buổi gặp mặt: Được gắn bó với nghệ thuật ca trù từ bé, với ông, loại hình văn hóa độc đáo này là một phần cuộc đời ông. Trong những năm qua, ông tâm huyết giữ gìn các làn điệu ca trù, nhiệt huyết truyền dạy cho lớp trẻ. Danh hiệu nghệ nhân ưu tú chính là động lực để ông tiếp tục cống hiến cho di sản văn hóa Thủ đô.
Năm 2020, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhiều đơn vị, di tích phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch. Dù vậy, những người làm di sản đã nỗ lực, tập trung phát huy sức sáng tạo để phát huy các giá trị di sản văn hóa Thủ đô, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Có thể kể đến các hoạt động của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, quận Hoàn Kiếm, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội, huyện Thường Tín, Đông Anh, nhóm Đình làng Việt… để bước đầu thực hiện cam kết và sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, trong những năm gần đây, Hà Nội đã làm tốt công tác bảo tồn di sản văn hóa, nhiều di sản văn hóa được UNESCO ghi danh, nhiều di tích quốc gia đặc biệt được công nhận. Nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành để bảo vệ, phát huy giá trị di tích và di sản văn hóa phi vật thể. “Tuy nhiên, chúng ta cần kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể, để thấy được giá trị, tinh hoa quý giá và có kế hoạch kịp thời nâng tầm giá trị của loại hình di sản. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch” thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội còn đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 – 2025”, đề án Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, lấy nguồn văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Tại buổi lễ gặp mặt, các nghệ nhân đã trình diễn nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù, hát văn – các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được Hà Nội làm tốt công tác bảo tồn trong những năm qua.
Quốc Khánh
Theo MaskOnline