(HNM) – Từ đau thương, mất mát của dân tộc và nỗi đau chiến tranh của nhân loại, Hồ Chí Minh đã tiếp cận sâu sắc mẫu số chung của lòng nhân ái, tính nhân bản, nhân văn. Điều này không chỉ thể hiện trong Sắc lệnh số 20 (ban hành ngày 16-2-1947) về “hưu […]
Mỗi dân tộc đã và đang tồn tại trên trái đất này đều có một số phận riêng, như là tạo hóa ban cho muôn loài về màu sắc và hình thể. Các loài luôn thích ứng với biến đổi môi trường sống, con người ngoài sự thích ứng với môi trường tự nhiên còn không ngừng cải biến tự nhiên. Các quốc gia, dân tộc ngoài việc cố kết cộng đồng, xác lập và mở mang lãnh thổ còn phải luôn tranh đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong lẽ tự nhiên mang tính xã hội đó, mất mát, hy sinh, đau thương, chia lìa, tang tóc, khổ ải là hệ quả tất yếu.
Hồ Chí Minh, qua nghiên cứu lý luận, đúc kết kinh nghiệm từ lịch sử dân tộc mình và quan sát có chủ đích chính trị, có chiều sâu nhân văn dần có được tư duy biện chứng lịch sử về giá trị máu xương của những thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh vệ quốc, giành quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong cuốn “Lịch sử nước ta” của Người, có điểm rất đáng lưu ý là mỗi thời đại, mỗi nhân vật lịch sử tiêu biểu đều phản ánh nét bi hùng lịch sử, thể hiện rõ tư tưởng về sự hy sinh, xả thân vì nghĩa lớn của các bậc anh hùng dân tộc. Thông điệp mà Bác Hồ muốn gửi tới những người Việt Nam yêu nước thuở ấy là: Vinh quang và chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về dân tộc, đồng bào ta; nhưng để có được vinh quang thì không thể tránh khỏi mất mát, hy sinh, chỉ có tranh đấu với lòng quả cảm thì mới mong giành được độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của đồng bào.
Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Việt Minh vào tháng 8 năm 1945 thực sự là “cuộc tấn công lên trời”, giống như Công xã Pari, giống như Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong câu kết của Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tính mạng và của cải, tinh thần và lực lượng để bảo vệ quyền tự do, độc lập ấy”.
Có lẽ bài học về nỗi đau bị kẻ thù tắm trong biển máu từ Công xã Pari, từ thử thách khốc liệt của chế độ mới ở Liên Xô (bị liên quân 14 nước đế quốc tấn công) và nỗi đau từ Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị quân thù khủng bố trắng, nên trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nghe theo lời hịch non sông ấy, cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ. Những người nông dân áo vải cùng những thế hệ thanh niên, sinh viên, công nhân, trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, không phân biệt đảng phái, tôn giáo… đều xả thân “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Chứng kiến và thấu hiểu nỗi đau về sự hy sinh, mất mát to lớn, không gì bù đắp nổi của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ trên mặt trận cũng như ở hậu phương, Bác Hồ xót đau vô hạn. Trong thư gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Người viết: “Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột”. Tư tưởng nhân bản, nhân văn ấy là sự kết tinh giữa những giá trị sống của một dân tộc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước với lịch sử đấu tranh vì sự bình đẳng, bác ái và hòa bình của các dân tộc trên thế giới.
Sắc lệnh số 20-SL/CP về “hưu bổng thương tật” và “tiền tuất cho thân nhân tử sĩ” là tiền đề chính trị, thể hiện tư tưởng nhân đạo của Hồ Chí Minh đối với những người đã vì nước quên thân, đó là kim chỉ nam để Đảng, Nhà nước ta ban hành chủ trương, chính sách đối với Thương binh – Liệt sĩ, để đồng bào ta thể hiện rõ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27-7-1947 đã đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban Tổ chức “Ngày thương binh toàn quốc”, đầu thư Người viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”. Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người để tặng thương binh. Trong Di chúc thiêng liêng của Người, có nội dung căn dặn Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải đặc biệt chăm lo cho những người có công với nước, đã hy sinh và dâng hiến lợi ích riêng để chứng minh cho triết lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta đã từng hun đúc nên tinh thần kiên trung, tự chủ bằng giá trị của đức hy sinh. Những “tượng vàng, bia đá” và sử vàng ghi công danh những tấm gương sáng ngời cho lòng quả cảm vì nghĩa lớn (bảo vệ quyền tự chủ dân tộc, cứu dân khỏi chốn lầm than). Truyền thống ấy càng được khơi sâu mạch nguồn dưới thời đại Hồ Chí Minh. 7 thập niên đã qua, từ một tư tưởng giàu tính nhân bản, nhân văn, nhân ái của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta, đồng bào ta đã không ngừng mở rộng và nâng cao tư tưởng ấy thành triệu triệu nghĩa cử cao đẹp, thể hiện nét đẹp văn hóa đạo đức BIẾT ƠN của dân tộc Việt Nam. Đó là hành trang tinh thần để dân tộc ta tiếp bước tới đài vinh quang, có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, theo mong ước của Bác Hồ vĩ đại.