Lần đầu tiên, Sở GD&ĐT thực hiện chương trình hợp tác với một đơn vị chịu trách nhiệm bảo tồn phát huy giá trị di sản – Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội để hướng học sinh (HS) các trường trên địa bàn Hà Nội thực hiện các buổi học […]
Lần đầu tiên, Sở GD&ĐT thực hiện chương trình hợp tác với một đơn vị chịu trách nhiệm bảo tồn phát huy giá trị di sản – Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội để hướng học sinh (HS) các trường trên địa bàn Hà Nội thực hiện các buổi học trải nghiệm ngoại khóa.
Thay vì tổ chức một cách tự phát ở các địa điểm khác nhau, chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và Khu di tích Cổ Loa đang được mong chờ sẽ đem lại những giá trị thiết thực và hiệu quả cho các bài giảng lịch sử, văn học.
Ngoại khóa hấp dẫn với di sản
Trước khi triển khai chương trình hợp tác với Sở GD&ĐT, hơn 2 năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã thực hiện các chương trình trải nghiệm “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản” đến du khách và các trường học theo nhu cầu.
Đã từ lâu, vào sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, tại khu di tích 18 Hoàng Diệu, hình ảnh quen thuộc đập vào mắt du khách là từng tốp HS lớp 4 và lớp 5, người bới từng lớp đất đào tìm hiện vật tại hố khảo cổ giả định, người nhanh chân tìm kiếm các hộp mật mã chứa câu hỏi và ghi nhớ vị trí dấu tích khảo cổ thông qua trò chơi Đi tìm báu vật Hoàng cung Thăng Long, người lại thể hiện tài trí thông minh và sự ghi nhớ thông qua các câu hỏi lịch sử…
Sau khi làm việc tại hố khảo cổ giả định các bạn nhỏ sẽ tiếp tục nghiên cứu khoa học của nhà khảo cổ bằng các hoạt động mô tả, vẽ hiện vật, dập hoa văn hiện vật trên giấy dó, ghép tranh và hoàn thiện phiếu hoạt động của chương trình. Chiều dài lịch sử 13 thế kỷ của Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội trở nên hấp dẫn, giá trị lịch sử văn hóa của từng triều đại vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn… như hiển hiện trước mắt HS.
“Quá khứ lịch sử được tái hiện qua những hiện vật bình dị của cha ông xưa kia, giúp các em HS có những trải nghiệm thú vị, bổ ích, khơi gợi sự sáng tạo thông qua các hoạt động mang tính trải nghiệm thực địa, trò chơi vận động và tương tác” – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh chia sẻ.
Từng hướng dẫn HS tham gia chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương Trần Thị Sơn Ca chia sẻ: “Việc dạy và học môn lịch sử ở trường đôi khi còn hạn chế vì các em chỉ nghe là chính và tiếp thu một cách thụ động. Còn tham gia chương trình này, các em được chủ động, vừa học vừa chơi, được trải nghiệm thực tế, như vậy dễ dàng tạo ra hứng thú học tập, cũng như phát huy sự sáng tạo của HS, kiến thức lịch sử được các em ghi nhớ và khắc sâu hơn. Mô hình này nên được mở rộng và phát triển”.
Ngoài ra chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, trong hơn một năm nay, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng đã triển khai chương trình dành cho HS THCS có tên “Em tìm hiểu di sản Hoàng thành Thăng Long”. Chương trình giúp HS trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành trong khoảng thời gian từ 2 – 3 giờ.
Trong chương trình này các em cũng được tham quan các điểm di tích tiêu biểu của Hoàng thành Thăng Long như Đoan Môn, nền điện Kính Thiên, Hậu Lâu, các nhà trưng bày hiện vật khảo cổ, các di tích cách mạng nhà D67, Hầm D67, hầm Cục tác chiến; Tìm hiểu kỹ về khu di sản thông qua việc trả lời các câu hỏi trong phiếu hoạt động và xem phim giới thiệu về khu di sản; Tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố; Tự tay làm các sản phẩm thủ công truyền thống như dán quạt giấy, vẽ gốm, in tranh dân gian. Hàng nghìn HS các trường trên địa bàn Thủ đô đã tham gia chương trình học tập ngoại khóa bổ ích này trong thời gian qua.
Bắt đầu bằng sự hợp tác bài bản
Không còn triển khai mang tính đơn lẻ, vào chiều 19/9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và Sở GD&ĐT sẽ thực hiện lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa trong các trường học thuộc ngành GD&ĐT Hà Nội.
Trước mắt sẽ có 4 chương trình tham quan, học tập ngoại khóa tại Hoàng thành Thăng Long được chú trọng trong đó có: “Em tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long”, “Em làm nhà khảo cổ”, Dâng hương, tham quan và chụp ảnh kỷ yếu đối với học sinh cuối cấp (lớp 9 và lớp 12); tham quan học tập dã ngoại tại khu di tích Cổ Loa.
Trong biên bản thỏa thuận hợp tác, 2 đơn vị thống nhất xây dựng kế hoạch liên ngành triển khai chương trình theo năm học, trong đó tập trung thực hiện các nội dung sau: Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa. Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu ứng dụng thuyết minh hướng dẫn tham quan khu di sản Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại smartphone tới các trường học trên địa bàn Thủ đô.
Tổ chức các hoạt động vệ sinh, chăm sóc, bảo vệ di sản tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa. Tổ chức tọa đàm, xin ý kiến các chuyên gia giáo dục, các nhà trường, cơ sở giáo dục về chương trình giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, đây là bước khởi đầu để ngành giáo dục Thủ đô hướng các trường vào các chương trình ngoại khóa dành cho giáo dục di sản. “Trong chương trình giáo dục tại các trường có các tiết học ngoại khóa để HS tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên. Chúng tôi sẽ khuyến khích các trường thực hiện các chương trình ngoại khóa chuyên sâu về di sản.
Nên nếu sau chương trình này, hiệu quả giáo dục được đánh giá cao, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành hợp tác sâu rộng hơn nữa Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội và các đơn vị bảo tồn phát huy giá trị di sản khác của Thủ đô” – đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết.
Theo Báo Kinh tế và Đô thị