Trong xã hội xưa, người Việt Nam ta rất coi trọng việc giữ gìn nếp sống gia phong. Các thành viên trong gia đình có bổn phận coi trọng nền nếp đó để không làm ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín trong gia đình.
Ngày nay, trong nhiệm vụ xây dựng con người mới, gia đình Việt Nam không những kế thừa những nếp sống truyền thống tốt đẹp của gia đình mà còn phát huy tính tích cực của nó. Khi nói đến nếp sống gia đình, trước hết ông, bà, cha, mẹ thường khuyên răn, dạy bảo con cháu từ thuở ấu thơ phải biết lễ độ, chào hỏi, xin lỗi, cám ơn, phải biết "ăn xem nồi, ngồi xem hướng"… Trong lao động phải siêng năng, cần mẫn, chịu khó, tiết kiệm… Gia đình có nền nếp rất khinh ghét những kẻ lười biếng trong lao động và học tập, tránh xa những người ăn bám, dối trá, nghiện ngập rượu chè, cờ bạc, … Gia đình rất quan tâm việc giáo dục nếp sống gia đình trong đó chú trọng đến tình thương và lẽ phải, coi trọng sự hoà thuận, đoàn kết, thương yêu nhau, kính trên dưới nhường ngoài ra còn thể hiện lòng mến khách: niềm nở tiếp đón, chu đáo trong xử sự, tình bạn thủy chung, sống có tình có nghĩa, ăn ở như bát nước đầy. Hồ Chủ tịch đã dạy "việc nâng cao đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân, xây dựng con người văn hoá bắt đầu từ mỗi gia đình và trong cộng đồng dân cư" là một trong những quan điểm mà Bác đã nhắc nhở mỗi chúng ta cần suy nghĩ để vận dụng vào việc duy trì các tiêu chí gia đình văn hoá trong các hoạt động, phong trào xây dựng xã nông thôn mới và đời sống văn hoá.
Ảnh minh họa
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "xây dựng nếp sống mới là quá trình làm cho lối sống mới dần thành thói quen, thành phong tục tập quán tốt đẹp, kế thừa và phát triển những thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc". Thực tế các tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá và nông thôn mới có mối quan hệ với nhau rất hữu cơ vừa nâng cao đời sống văn hoá vừa đáp ứng đời sống vật chất, do vậy tôi xin đề xuất các giải pháp:
– Xây dựng con người có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế để bình chọn, biểu dương, khen thưởng "Người tốt, việc tốt" trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", với những đức tính sau: Có tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hoá lành mạnh; Có tinh thần vượt khó, vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu; Gương mẫu, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước cộng đồng; Tương thân, tương ái, đoàn kết và giúp đỡ mọi người; Tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương.
– Củng cố hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", " Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững", …
– Duy trì nâng chất hoạt động các tổ nhân dân tự quản, quan tâm xã hội hoá sinh hoạt câu lạc bộ các đoàn thể, trong đó các đồng chí Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức với vai trò vừa làm gương vừa là đội ngũ tuyên truyền viên tích cực tại cơ sở.
Quan tâm công khai minh bạch từ trong gia đình đến các tổ nhân dân tự quản, tạo điều kiện thực hiện quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình nhằm xây dựng gia đình theo tiêu chí "Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc" góp phần xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Nguồn: Đ.N.H (www.svhttdl.bentre.gov.vn)