Gia đình

Giáo dục trẻ từ trong bào thai

​Không chỉ đến ngày nay, từ lâu người ta đã khẳng định rằng việc giáo dục thai nhi từ trong bụng mẹ có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển tâm lý, thể chất của đứa trẻ sau này. Đây là điều quan tâm của rất nhiều các bậc phụ huynh đặc biệt là các bà mẹ lần đầu mang thai. Vậy chúng ta phải giáo dục thai nhi như thế nào để cho ra đời một đứa con khỏe mạnh, thông minh…? Chúng tôi xin chia sẻ một vài biện pháp liên quan đến vấn đề này.

Không chỉ đến ngày nay, từ lâu người ta đã khẳng định rằng việc giáo dục thai nhi từ trong bụng mẹ có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển tâm lý, thể chất của đứa trẻ sau này. Đây là điều quan tâm của rất nhiều các bậc phụ huynh đặc biệt là các bà mẹ lần đầu mang thai. Vậy chúng ta phải giáo dục thai nhi như thế nào để cho ra đời một đứa con khỏe mạnh, thông minh…? Chúng tôi xin chia sẻ một vài biện pháp liên quan đến vấn đề này.

Biện pháp thứ nhất: Giáo dục thông qua chế độ dinh dưỡng


Dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai không chỉ đơn thuần là việc ăn no hay ăn càng nhiều càng tốt. Thông thường chế độ ăn hàng ngày của thai phụ cần khoảng 400g ngũ cốc , 50g các chế phẩm từ đậu, 50g rau xanh, khoảng 70g thịt nạc, cá hoặc trứng, 25g gan lợn, 10g dầu mỡ, 100 g hoa quả… Tất nhiên, mức độ trên còn phụ thuộc vào nhu cầu đặc trưng của từng người. Những thực phẩm đó cung cấp cho thai phụ đầy đủ các dưỡng chất như protein, chất khoáng và các loại vitamin A,B,C,D,K.
Các nhà dinh dưỡng học cũng khuyên bạn không nên ăn quá no, nên chia thức ăn làm nhiều bữa, ăn ít muối, mỡ và các gia vị có tính kích thích như hạt tiêu, ớt, hạn chế ăn các thức ăn nhanh. Bạn cũng nên uống sữa vì sữa không chỉ nhiều dinh dưỡng mà còn rất giàu canxi hỗ trợ cho sự phát triển xương của trẻ. Tuy nhiên nếu bạn sợ sữa bột (sữa công thức) hãy thay thế nó bằng sữa tươi. Những công trình nghiên cứu gần đây cho thấy rằng cứ 1cm trong bào thai sẽ tương đương với 10cm khi đứa trẻ chào đời và sự thiếu hụt những dưỡng chất ngay trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất của trẻ suốt cả cuộc đời.
Trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, “giọt máu” của bạn chỉ tăng trưởng và phát triển bình thường khi được hấp thụ đầy đủ dinh dưỡng qua nhau thai. Bởi vậy việc ăn đúng, ăn đủ không còn chỉ để thỏa mãn nhu cầu của một mình bạn nữa. Là một bà mẹ, bạn phải ý thức được trách nhiệm này.

dạy tre tu trong bao thai giaoduc.net .vn copy Giáo dục trẻ từ trong bào thai
Ảnh minh họa, nguồn internet
Biện pháp thứ hai: Hãy làm cho tinh thần thoải mái 

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng tâm trạng của người mẹ sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nội tiết và thấm vào bên trong cơ thể thai nhi. Có một sợi dây liên kết chặt chẽ giữa bà mẹ và thai nhi. Các thành phần hóa học trong máu đã gắn kết họ. Điều đó có nghĩa rằng: thai nhi biết vui với niềm vui của mẹ, thậm chí tim thai sẽ đập nhanh hơn, thai nhi sẽ có những cử động bất thường thậm chí là bị sẩy thai nếu bà mẹ có tâm trạng âu lo, sợ hãi.
Điều cần lưu ý với bà mẹ mang thai là hãy giữ cho tinh thần được vui vẻ, thoải mái. Bạn vẫn nên đi làm khi cảm thấy cơ thể còn cho phép. Ngoài ra, hãy liên lạc thường xuyên với những người bạn thân để chia sẻ với họ những cảm xúc cũng như những lo lắng của bạn. Biết đâu bạn còn có thể nhận được từ họ những lời khuyên bổ ích. Hãy tham gia những lớp tập huấn dành cho thai phụ, bạn sẽ được gặp những người có cùng mục đích giống bạn, bạn sẽ thấy thời gian để bé ra đời ngày một gần. Bạn cũng nên thường xuyên xem phim, nghe nhạc, đọc truyện, đọc thơ. Âm nhạc sẽ làm cho tinh thần bạn thêm thoải mái. Nếu cần, bạn nên hạn chế xem những chương trình can thiệp cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, trẻ khuyết tật trên ti vi. Điều mấu chốt là bạn nên nghĩ đến những điều tốt đẹp, hãy tin tưởng rằng em bé của bạn khi chào đời sẽ khỏe mạnh, viên mãn như hầu hết những đứa trẻ khác.
Biện pháp thứ ba: Giáo dục thông qua ngôn ngữ 

Hãy để thai nhi được lắng nghe tiếng nói của cha mẹ. Tuy em bé của bạn lúc này còn hoàn toàn chưa hiểu được ý nghĩa của những lời nói đó nhưng nó có thể làm quen với ngữ âm, ngữ điệu, từ đó kích thích khả năng thích ứng với ngôn ngữ của đại não sau này. Bạn hãy đặt tên cho con và thường xuyên gọi tên bé, thường xuyên trò chuyện cùng bé với những cụm từ như “con yêu của mẹ, con yêu của cha!… ”.
Những nghiên cứu cũng cho thấy nếu thai nhi thường xuyên được nghe những lời nói và ngữ điệu quen thuộc thì đến những tháng cuối bé đã biết đạp nhẹ vào bụng để phản ứng lại những kích thích đó. Hơn thế, nói chuyện với bé cũng là cách để tạo dựng mối liên hệ tình cảm ruột thịt. Bạn có thể chọn thời điểm nói chuyện với bé bất cứ thời gian nào trong ngày miễn là công việc này phải làm thường xuyên và nên tăng tần số vào những tháng cuối của thai kỳ.
Biện pháp thứ tư: Giáo dục thông qua âm nhạc 

Rất nhiều các thiên tài âm nhạc đều được giáo dục âm nhạc ngay từ trong bào thai. Một bệnh viện ở Áo đã tiến hành thai giáo bằng âm nhạc cho 35 thai phụ. Về sau, trong số những đứa trẻ sinh ra có 7 người trở thành nhạc sĩ, những người còn lại đều có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Cho dù bạn có mong muốn em bé của mình trở thành thiên tài âm nhạc hay không thì cũng vẫn nên cho trẻ nghe nhạc ngay từ những tháng đầu tiên và có thể tăng tần số vào chu kỳ cuối của thai kỳ.
Âm nhạc có tác dụng rất tốt đối với sự phát triển trí tuệ của bé. Hãy mua một đôi tai nghe chuyên dụng và áp sát vào bụng mình để bé được nghe rõ hơn. Vấn đề còn lại là hãy chọn loại nhạc nào nhẹ nhàng, du dương để bạn và bé cùng thưởng thức, đồng thời chú ý đến âm lượng vừa phải, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển thính giác của bé. Bạn cũng có thể đến những cửa hàng băng đĩa nhạc và tìm cho mình những đĩa nhạc dành riêng cho thai nhi.Thông thường loại nhạc được nhiều người lựa chọn là nhạc thính phòng. Loại nhạc này rất có tác dụng trong việc kích thích sự phát triển của các nơ ron thần kinh trên não bé. Hãy hoạt hóa những nơ ron thần kinh đó để chúng được linh hoạt ngay từ giai đoạn sơ khai nhất. Đó chính là cơ sở của sự phát triển trí tuệ. Sau này khi đứa trẻ của bạn chào đời, bạn sẽ cho chúng nghe lại những giai điệu này từ những ngày đầu tiên, điều đó sẽ tạo cho bé cảm giác an toàn, bé sẽ bớt quấy khóc hơn.
Biện pháp thứ năm: Giáo dục thông qua vận động 

Khoảng từ tuần thứ 20 của thai kỳ, bạn có thể cảm nhận được sử chuyển động của thai nhi trong bụng. Hãy thường xuyên vuốt ve em bé của mình. Giáo dục thông qua vận động đơn giản là bạn hãy dùng bàn tay của mình xoa nhẹ lên bụng vào những chỗ thai nhi đang đạp, ấn nhẹ một chút vào đó. Bé sẽ cảm nhận được tình cảm của mẹ dành cho mình và phản ứng bằng cách đạp nhẹ . Nên kết hợp với trò chuyện với bé bạn nhé.
Thai giáo thông qua vận động còn là việc bà mẹ thường xuyên thực hiện các chức năng vận động của bản thân: nằm, đứng, ngồi, đi…vv. Bạn hoạt động cũng có nghĩa là em bé của bạn được vận động. Hãy tham gia các hoạt động khác nhau ở cơ quan, thậm chí cả khu phố bạn đang ở. Bạn đừng nghĩ: “cái bụng của mình to, mình chẳng thể làm gì ngoài việc ngồi một chỗ!”. Nằm nhiều, ngồi nhiều chỉ làm bạn thêm ì ạch, chậm chạp và mệt mỏi. Tích cực hoạt động với những hình thức vừa phải bạn sẽ thấy mình khỏe mạnh hơn, ăn ngon hơn và ngủ sâu hơn. Nếu có điều kiện, bạn có thể đi bộ, tập những bài tập thể dục nhẹ nhàng. Hãy rủ chồng cũng đi dạo vào mỗi buổi tối hoặc buổi sáng sớm, khi đó cả bạn và bé đều được hít thở bầu không khí trong lành, điều đó sẽ tốt cho bé biết chừng nào.
Giáo dục con người là một quá trình lâu dài. Quá trình này đòi hỏi phải có sự kiên trì và chỉ bằng tình mẫu tử thiêng liêng chúng ta mới có thể làm được. Để bé được chào đời khỏe mạnh, thông minh và có nền tảng phát triển tốt về nhân cách, các bà mẹ hãy chú ý đến chế độ sinh hoạt, đời sống tinh thần và có thái độ sống đúng mực ngay từ khi bắt đầu mang thai.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *