Chiều 27/3, Sở VH&TT đã tổ chức Giao lưu các làng văn hóa tiêu biểu Thủ đô, đồng thời gặp gỡ các gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 16 năm ngày Gia đình Việt Nam.
Thực hiện Kế hoạch số 01/KH – BCĐ ngày 04/01/2017 của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Thành phố về triển khai thực hiện phong trào năm 2017; Kế hoạch số 02/KH – BCĐ ngày 04/01/2017 của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Thành phố về kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo Thành phố năm 2017; Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức Giao lưu các làng văn hóa tiêu biểu Thủ đô; gặp gỡ các gia đình văn hóa tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 16 năm ngày Gia đình Việt Nam.
Chương trình Giao lưu các làng văn hóa tiêu biểu nhằm tôn vinh các làng văn hóa trong quá trình đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.
Thông qua chương trình, thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phong trào xây dựng Làng văn hóa. Là dịp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các làng trong thực tiễn xây dựng làng văn hóa.
Tham gia giao lưu có 15 làng văn hóa ở 14 huyện, thị xã. Các làng văn hóa tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ tại chương trình giao lưu.
Cùng ngày, Lễ Tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu cũng đã diễn ra nhằm cổ vũ, động viên các gia đình văn hóa tiêu biểu có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào xây dưng gia đình văn hóa. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. 89 gia đình văn hóa tiêu biểu của 30 quận, huyện, thị xã đã được long trọng tuyên dương tại buổi lễ. Đó là những gia đình văn hóa 3 năm liên tục trở lên, là tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng, được cộng đồng suy tôn, ghi nhận.
Ông Đỗ Văn Thúy – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hoài Đức cho biết: “Huyện Hoài Đức có 130 thôn, làng, khu dân cư, đến hết 2016 đã tham mưu UBND huyện công nhận danh hiệu Văn hóa cho 112/130 (đạt tỷ lệ 86,1%), hiện tại với tỷ lệ này, chúng tôi đã vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Hoài Đức nhiệm kỳ 2015-2020. Tuy nhiên, việc phấn đấu xây dựng đã khó nhưng để gìn giữ và nâng cao chất lượng tiêu chí của Làng Văn hóa còn là việc làm khó khăn hơn. Hoài Đức là huyện đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh và phấn đấu trong tương lai gần có thể trở thành một trong những quận nằm trong quy hoạch trở thành trung tâm của Hà Nội. Trong buổi Giao lưu các Làng Văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2017, huyện Hoài Đức đã chọn Thôn 5, xã Yên Sở tham gia giao lưu. Đây là một trong những thôn điển hình của xã Yên Sở – là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới và là 1 trong hơn 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Tại Yên Sở, cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phát triển, điện, đường, trường, trạm khang trang, sạch sẽ, các trường học đều đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, mức sống của người dân cao với tỷ lệ số người là bác sĩ, giáo viên… rất đông.
Mặc dù Yên Sở đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, thế nhưng trong những năm vừa qua, Huyện ủy, Hội đồng UBND tiếp tục chỉ đạo và từng bước nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới do Bộ VHTT&DL quy định. Tuy nhiên, vấn đề về kinh phí xây dựng vẫn luôn là một trong những khó khăn hàng đầu. Vì vậy, huyện Hoài Đức nói chung và xã Yên Sở nói riêng vẫn mong các cấp tiếp tục có sự quan tâm đầu tư cho xã. Riêng về góc độ văn hóa, Yên Sở là xã có truyền thống hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hết sức sôi nổi”.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, PGĐ Sở VH&TT Hà Nội khẳng định: “Thành công nhất của cuộc Giao lưu các làng văn hóa tiêu biểu Thủ đô và Gặp gỡ các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2017 là đã được triển khai từ cơ sở, tạo thành một phong trào, một đợt sinh hoạt sôi động. Tại buổi giao lưu, mỗi làng văn hóa đều thể hiện được sắc thái riêng của mình, trong điều kiện không thể mời hết các làng văn hóa thì đại diện 15 làng văn hóa tham gia lần này cũng là dịp giao lưu, thể hiện hương sắc riêng của từng làng. Đó cũng chính là nội dung sinh hoạt của làng văn hóa và thế mạnh của từng địa phương. Đối với các gia đình văn hóa, hàng năm vẫn tổ chức biểu dương ở cấp cơ sở, còn trong buổi lễ này, chúng ta biểu dương 89 gia đình văn hóa ở cấp Thành phố.
Cuộc liên hoan lần này nhằm mục đích tập trung xây dựng các mô hình văn hóa trong đó có mô hình Gia đình văn hóa, Tổ dân phố văn hóa, Làng văn hóa là những đơn vị cơ sở nhất, căn bản nhất để làm sao chúng ta có thể mở rộng mô hình này tại các khu dân cư. Trong điều kiện hiện nay, xã hội ngày càng có những phát triển theo nhiều xu hướng khác nhau, cũng như có những sự tiếp cận phong phú cả về chiều rộng cũng như chiều sâu ở trong nước cũng như thế giới, cả những tiến bộ về khoa học cũng có những mặt tích cực cũng như mặt trái của nó. Việc tập trung xây dựng các mô hình văn hóa cũng là để thực hiện Nghị quyết của Thành ủy cũng như Chương trình của UBND Thành phố, tập trung xây dựng một Thành phố Hà Nội Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Buổi giao lưu và tuyên dương lần này chính là một sự khẳng định rằng chúng ta đã và đang có được những môi trường trong sạch trong xã hội, trong cộng đồng dân cư, trong gia đình… và chính môi trường ấy sẽ nuôi dưỡng những tâm hồn con người tốt đẹp”.
Một số hình ảnh trong chương trình Giao lưu các Làng văn hóa tiêu biểu Thủ đô năm 2017:
Thanh Hằng
Theo MaskOnline