Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), 75 năm ngày Truyền thống ngành Tòa án, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Đoàn Thanh niên Tòa án Nhân dân tối cao tổ chức chương trình Tọa đàm, giao lưu với nhân chứng lịch sử “Son sắt một niềm tin”.
Tại đây, các đoàn viên thanh niên Tòa án Nhân dân tối cao đã được giao lưu với nhân chứng lịch sử, bác Dương Tự Minh – Phó Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò, nguyên Giám đốc Khách sạn Hà Nội. Bác là con trai của Giáo sư Dương Quảng Hàm, nguyên hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An. Được nghe bác Minh kể về thời kỳ khi đang theo học trường Chu Văn An, bác trở thành thành viên tích cực trong nhiều phong trào của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội, về những khó khăn khi làm và tuyên truyền tờ báo Nhựa sống, và nguyên nhân bác bị bắt và giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Cùng với đó là những kỷ niệm bác dạy học trong tù, về quá trình phỏng vấn nhân chứng để biên soạn tập tài liệu tham khảo lịch sử Đoàn và phong trào Thanh niên Hà Nội (1930-1945)…
Thông qua những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử, một lần nữa, chúng ta như được sống lại một thời hoạt động cách mạng sôi nổi của nhân chứng, được lắng nghe những kỷ niệm khi ông bị giam cầm trong Nhà tù Hỏa Lò. Với niềm tin sắt son dành cho Đảng, ông đã kiên cường vượt qua khắc nghiệt của chế độ nhà tù thực dân, dùng thời gian trong tù tự tu dưỡng để khi có cơ hội ra ngoài, sẽ tiếp tục phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Cũng tại buổi giao lưu, các đại biểu, đoàn viên thanh niên đã làm lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm, tham quan và nghe thuyết minh vè Nhà tù Hỏa Lò, trưng bày chuyên đề “Khát vọng tự do” và xem thước phim tư liệu “Trường học sau song sắt”, kể câu chuyện về sự đấu tranh, về các hoạt động của tù chính trị sau khi Chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò được thành lập.
Tại “địa ngục trần gian Hỏa Lò”, những trại giam, xà lim tối tăm bị che khuất bởi những bức tường cao và trong đó có những con người ngày đêm chịu sự giam cầm, đày ải cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng, chính từ “trường học cách mạng” đặc biệt ấy, nhiều tấm gương trung hiếu đã trưởng thành về lý luận chính trị, rèn luyện về phẩm chất đạo đức và tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh. Những nếm mật, nằm gai, những đòn roi tra tấn của kẻ thù đã trở thành sự rèn luyện bản lĩnh cách mạng, để từ ấy, bao chiến sỹ kiên trung lại tiếp tục vì Đảng đấu tranh, vì dân phục vụ.
Hồng Anh
Theo MaskOnline