Quy tắc ứng xử

Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm

Để từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng huyện Thạch Thất và Thủ đô Hà Nội hiện đại và phát triển bền vững, huyện Thạch Thất đã phát động phong trào ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự với người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính.

Sáng 12/9, Đoàn kiểm tra liên ngành của Thành phố tiếp tục làm việc với huyện Thạch Thất về việc triển khai thực hiện 2 quy tắc ứng xử (QTƯX) của Thành phố trên địa bàn năm 2023. Tại huyện Thạch Thất, Đoàn đã kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện 2 QTUX tại bộ phận 1 cửa và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND xã Đại Đồng và UBND huyện Thạch Thất.

Đoàn kiểm tra làm việc với huyện Thạch Thất

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Minh Phương cho biết, trong những năm qua, UBND Huyện Thạch Thất đã và đang triển khai hiệu quả 02 Bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố. Việc triển khai thực hiện 02 Bộ Quy tắc ứng xử có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thị trấn. Sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân nhằm tiếp tục tạo chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực thi nhiệm vụ, trong giao tiếp, ứng xử với công dân, đồng nghiệp, góp phần nâng cao năng suất làm việc, hiệu quả quản lý, hoạt động và phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện “Kỷ cương – Trách nhiệm – Tận tình – Thân thiện”; xây dựng ý thức, nét đẹp văn hoá cho mỗi người dân để từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hoá, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng huyện Thạch Thất và Thủ đô Hà Nội hiện đại và phát triển bền vững.

Tại bộ phận một cửa của huyện, xã, thị trấn đã phát động phong trào ứng xử văn minh, thân thiện, lịch sự với người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa huyện, 23 xã, thị trấn đều chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc; sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả. Trang phục công sở đảm bảo theo quy định; tích cực tham gia xây dựng, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp; môi trường văn hoá thân thiện, văn minh nơi công sở, đồng thời duy trì thực hiện “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp”.

Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm

Để triển khai có hiệu quả Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, UBND huyện đã triển khai xây dựng 02 mô hình: “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp” và Mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”. Xã Đại Đồng được lựa chọn làm điểm triển khai thực hiện mô hình “Bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp” vào năm 2019. Sau khi rút kinh nghiệm, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo nhân rộng mô hình tại các xã còn lại. Từ mô hình này, nhiều cách làm hay đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả, như: Tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông các kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thi hành công vụ; Mở hòm thư góp ý, số điện thoại thường trực để Nhân dân kịp thời kiến nghị, phản ánh những thắc mắc trong quá trình giao dịch công việc. Giao tiếp, làm việc với người dân bằng thái độ niềm nở, tận tình, trách nhiệm; Giải quyết công việc đúng quy định, quy trình, không sách nhiễu, không gây căng thẳng, bức xúc.

Ngoài ra, mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng” được huyện Thạch Thất triển khai; Mô hình “Xây dựng trường học thân thiện, nói lời hay làm việc tốt, cảnh quan đẹp” được ngành giáo dục huyện triển khai những cách làm hiệu quả và nhân rộng trong toàn ngành; kết hợp với phong trào xây dựng “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực” và các tiêu chí xây dựng “Đơn vị đạt chuẩn văn hoá” để lồng ghép các nội dung tuyên truyền cho phù hợp; Phát động trong hệ thống liên đội, chi đội, đoàn thanh niên… có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời cho những điển hình trong quá trình thực hiện mô hình…

Công tác tổ chức, sắp xếp tài liệu lưu trữ tại phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất.

Đối với việc triển khai bộ QTƯX nơi công cộng, thông qua các hoạt động tuyên truyền gắn với tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, người dân có ý thức hơn trong ứng xử tại nơi công cộng, tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo… UBND huyện chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ huyện xây dựng mô hình “Di tích lịch sử văn hoá, điểm đến an toàn hấp dẫn” và thực hiện thí điểm đối với các xã, thị trấn: Thạch Xá, Cần Kiệm, Liên Quan, Đại Đồng. UBND huyện Thạch Thất tổ chức cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” được thành phố đánh giá cao vận động các cơ quan, đơn vị tổng vệ sinh chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy tại địa bàn dân cư; vận động Nhân dân đặt, để rác đúng nơi quy định, vận chuyển rác thải tồn đọng tại các địa bàn dân cư. Ra quân tổng vệ sinh trong các ngõ xóm, đường làng, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của huyện cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế như việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tuy đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ nhưng chưa đạt được mong muốn hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của người dân nơi công cộng góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp. Một bộ phận người dân ý thức chưa cao trong việc chấp hành các quy định Nhà nước và Quy tắc ứng xử nơi công cộng, còn thiếu ý thức trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến cảnh quan, đô thị.

Ghi nhận qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra đánh giá rất cao công tác tổ chức, sắp xếp tài liệu lưu trữ tại một số phòng, ban trực thuộc UBND huyện Thạch Thất, đặc biệt là phòng Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Văn phòng huyện… Đây cũng chính là tiền đề của việc số hóa dữ liệu lưu trữ, giúp cho việc tra cứu hồ sơ được thuận tiện, nhanh gọn, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, phục vụ tốt cho công tác chuyên môn của cán bộ, công chức, người lao động cũng như công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp khi đến liên hệ làm việc. Bên cạnh đó, Đoàn cũng đánh giá cao việc triển khai, tổ chức thực hiện QTƯX trên địa bàn huyện. Với 22 xã 1 thị trấn; 122 thôn, tổ dân phố; 209 di tích và nhiều trường học trên địa bàn đã được phú sóng, tuyên truyền, giới thiệu, niêm yết công khai 2 QTƯX, từ đó thấy được quả của việc thực hiện 2 QTƯX được lan tỏa. Đoàn cũng đề nghị huyện cũng như các xã tăng cường cây xanh, tạo không gian thoáng mát, thực hiện tổng vệ sinh vào cuối giờ chiều thứ 6 hàng tuần. Bên cạnh đó, huyện cũng cần quan tâm, chú ý thay thế những bảng biển QTƯX được niêm yết lâu ngày, đã cũ, bạc màu…

Bảo Hân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *