Về với xứ Đoài để ta được chìm đắm với những làn điệu dân ca ngọt ngào, những loại hình văn hóa nghệ thuật giân gian đặc sắc. Một trong những loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng ở đây là hát Dô ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội.
Đền Khánh Xuân, nơi thờ Thánh Tản Viên, người có công giúp dân làng vượt qua đói khổ và truyền dạy cho họ điệu hát Dô độc đáo. Đây cũng là nơi cứ 36 năm một lần, hội Đền được mở để tưởng nhớ công ơn vị thần trong "tứ bất tử" của dân tộc Việt Nam. Hát Dô gắn với cư dân nông nghiệp và truyền thống thờ thành hoàng làng, được hát vào mùa xuân, ngày mở hội là ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch. Hát Dô có 3 kiểu hát: Hát Thờ (hát trong đền), hát Trúc, hát múa Bỏ Bộ (hát ngoài sân đền).Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Chỉ mộc mạc, giản dị vậy thôi mà hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài.
Như một cơ duyên, có một người phụ nữ yêu và say đắm tiếng hát Dô đến kỳ lạ. Với niềm tự hào của người dân Liệp Tuyết bà đã dám vượt qua những điều cấm kỵ, quyết tâm khôi phục lại điệu hát truyền thống mà cha ông đã để lại. Bà Nguyễn Thị Lan đã dày công sưu tầm những điệu Dô cổ. Ngày bận rộn với công việc đoàn thể, bộn bề với cái cày cái cuốc của công việc đồng áng. Đêm về văng vẳng tiếng hát Dô bên tai, bà lại tập trung cho những ca từ của làn điệu truyền thống quê hương.
Bà Nguyễn Thị Lan
Đặt ra cho mình mục tiêu thực hiện cho kỳ được việc khôi phục điệu hát truyền thống quê hương, từ năm 1989, bà Lan tìm đến tất cả các cụ cao niên trong làng để được truyền dạy lại những điệu hát Dô cổ. Có được bản chép 36 làn điệu hát Dô, bà Lan bắt đầu đi khắp thôn xóm vận động để thành lập câu lạc bộ hát Dô. Đây là việc làm không đơn giản bởi nó không chỉ là việc vận động, thuyết phục gây dựng một phong trào văn nghệ đơn thuần mà còn là việc thay đổi quan niệm, cách nghĩ của nhiều người, của cả tập thể. Bà Lan cùng nhóm hát đến trước bàn thờ Thánh để hát nghi lễ. Nếu như trước kia, phải qua 36 năm khi làng mở hội tế thần, người dân vùng quê Liệp Tuyết mới được một lần nghe điệu hát Dô thì nay cứ vào dịp tết đến xuân về, đất trời mở hội, người Liệp Tuyết lại có thêm niềm vui mới.